Nước ta hiện có 297 Khu chế xuất/khu công nghiệp (KCX/KCN) phân bổ ở 61 tỉnh thành, đặc biệt là tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... Tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) tại mảng này tuy có chuyển biến, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người lao động, ảnh hưởng tới an sinh xã hội...
Giảm nhưng vẫn lo
Để bảo đảm thời gian làm việc và công nhân được nghỉ trưa, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tổ chức bữa ăn tập thể, nhưng số DN tự nấu còn ít, phần lớn là khoán, hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn. Từ đây, vấn đề ATTP có thể nói đã bị bỏ ngỏ khi đa số chủ DN khoán “trách nhiệm này” cho nhà thầu cung cấp suất ăn. Trong khi đó, công tác kiểm tra, quản lý của các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý các KCN/KCX vẫn chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn.
Theo thống kê của Cục ATTP - Bộ Y tế, từ 2010 đến hết tháng 6/2015, toàn quốc đã xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), làm 6.059 người phải nhập viện, trung bình mỗi năm có 14 vụ. Số vụ NĐTP tại các KCN/KCX tuy có giảm, nhưng vẫn có những vụ việc lớn khiến hàng trăm người mắc phải như tại: Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang... Mới đây, vào ngày 15/7, vụ việc gần 100 công nhân bị ngộ độc thực phẩm thuộc Công ty Sản xuất giày da L.S (Q. Thủ Đức, TP.HCM) khiến vấn đề NĐTP tại các bếp ăn tập thể ở KCN càng thêm nhức nhối. Cụ thể, vào chiều ngày 15/7, gần 100 công nhân chuẩn bị tăng ca đêm được cung cấp bữa ăn trước khi vào ca. Ăn xong, khoảng 1 giờ sau hàng loạt công nhân có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy. Ngay lập tức các công nhân được chuyển đến Bệnh viện quận Thủ Đức và Bệnh viện Quân đoàn 4 để cứu chữa.
Trước đó, liên tiếp các vụ NĐTP đã xảy ra như: ngày 7/4, vụ NĐTP tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Thời trang Star khiến hơn 100 công nhân phải nhập Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ và đều được xác định bị rối loạn tiêu hóa, với nhiều triệu chứng điển hình của NĐTP. Tiếp đó, vào sáng 10/5, 98 công nhân Công ty TNHH Synopex Việt Nam tại KCN Quang Minh, Mê Linh phải nhập viện với các biểu hiện nghi NĐTP sau bữa ăn sáng tại công ty. Những vụ việc này đang đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn trong chế biến thực phẩm hiện nay tại các bếp ăn tập thể và tính mạng của hàng nghìn công nhân.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết: Qua kiểm tra, kết quả cho thấy các vi phạm về ATTP tại các bếp ăn tập thể ở những KCN/KCX là đáng lo nhất bởi ở đây là nơi tập trung đông người. Mỗi vụ việc đều khiến hàng trăm người mắc, phải cấp cứu. Các vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, điều kiện vệ sinh kém, trang thiết bị, dụng cụ thiếu. Cũng theo ông Phong, không ít các KCN/KCX chấp nhận sử dụng thực phẩm với giá chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng/suất ăn. Trong khi đó, nguồn thực phẩm lại rất khó kiểm soát triệt để với số lượng những nhà cung cấp suất ăn rất lớn. Các ông chủ thường giao khoán cho những nhà cung cấp suất ăn và vì vậy không thể kiểm soát nổi chất lượng.
Kinh doanh giảm, giảm cả... tiền ăn
Tại miền Bắc, các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nam Định là nơi tập trung đông các KCN/KCX. Chi cục ATTP Thái Nguyên cho biết, tỉnh không có những tổ chức, đơn vị lớn đủ khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các bếp ăn tập thể mà các bếp ăn phải tự chủ động tìm nguồn nguyên liệu từ các cơ sở nhỏ lẻ, hợp đồng ràng buộc lỏng lẻo hoặc không có giá trị pháp lý gây rất nhiều khó khăn trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và xử lý vi phạm khi có sự cố ATTP, NĐTP xảy ra.
Một điều đáng lo ngại nữa không chỉ của riêng tỉnh Thái Nguyên, đó là khi kinh tế suy thoái, kéo theo hoạt động của nhiều nhà máy, DN giảm sút và bữa ăn của công nhân cũng bị ảnh hưởng theo. Mức giá thấp dẫn tới chất lượng thực phẩm kém, cơ sở thiếu đầu tư... đã tạo ra nhiều nguy cơ lớn.
Ông Nguyễn Đức Cao, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, công lao động cao nên giá thành của sản xuất nông nghiệp thường cao hơn các tỉnh lân cận, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, nông sản trong các KCN/KCX lại là giá thành rẻ nên hai bên không gặp được nhau.
Giải pháp cho vấn đề này được ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại các KCN/KCX nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm sai phạm. Kiên quyết không để các cơ sở không có giấy phép cung cấp suất ăn vào. Đặc biệt là tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương như ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP, Ban quản lý các KCX/KCN”.
Hoàng Dương