Hà Nội

Kiểm soát an toàn thực phẩm đã có chuyển biến

11-11-2019 10:07 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại phiên họp giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa diễn ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã chú trọng công tác ATTP, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm để tập trung chỉ đạo và thực hiện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Tuy vậy, Chủ tịch UBND thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố còn nhiều tồn tại, kết quả chưa như mong muốn của người dân...

Đã triển khai các giải pháp để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Hà Nội hiện có hơn 70 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai các giải pháp để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị, cơ sở không bảo đảm an toàn. Đồng thời, tăng cường chấn chỉnh công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố...

Về triển khai các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, Giám đốc Sở NN&PT nông thôn Chu Phú Mỹ thừa nhận, vẫn chưa kiểm soát được điểm giết mổ nhỏ lẻ do việc giết mổ tại đây có giá thành thấp hơn. Người dân vẫn quen tiêu thụ thịt tươi sống ở các chợ, chưa quen tiêu thụ thịt cấp đông, thịt qua chế biến. Trong thời gian tới, thành phố cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có lộ trình đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung.

Về tình trạng chợ cóc, chợ tạm, bán hàng rong, lãnh đạo Sở Công Thương và các quận, huyện cho biết, sẽ tiếp tục rà soát và giải tỏa các khu vực vi phạm, bố trí quỹ đất xây dựng chợ phù hợp và tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong thói quen tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Hà Nội đã triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Hà Nội đã triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Người dân đóng vai trò giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, bên cạnh xây dựng các địa điểm, cửa hàng và món ăn nổi bật, đặc trưng, thành phố sẽ triển khai mạnh hơn việc xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh phân phối thực phẩm. Từ 800 cửa hàng rau, củ, quả tại 12 quận hiện nay, thành phố sẽ nhân rộng ra, lập các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến... Trong đó, quy định rõ tiêu chí các cửa hàng này như xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, có phương tiện bảo quản, niêm yết giá công khai, người bán cần được trang bị về kiến thức ATTP, đăng ký kiểm tra và chứng nhận về ATTP... Tiếp tục xây dựng, khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa một cách liên hoàn, đồng bộ từ nơi chăn nuôi, trồng trọt tới phân phối kinh doanh và chế biến để đưa thực phẩm vào lưu thông có kiểm soát. Thành phố mong muốn mọi người dân đóng vai trò giám sát các hoạt động về sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, có ý thức trong sử dụng và mua bán thực phẩm an toàn, phát hiện, lên án những hành vi vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Đối với các cơ sở giết mổ công nghiệp, thành phố đã tích cực triển khai, rà soát lại, kêu gọi đầu tư hệ thống giết mổ bán tự động và tự động. Trên địa bàn thành phố đã có cơ sở giết mổ hiện đại ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đáp ứng một phần nhu cầu giết mổ, cung cấp cho chuỗi cửa hàng và siêu thị trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn các cơ sở giết mổ chưa bảo đảm vệ sinh, hộ nuôi nhỏ lẻ còn nhiều. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của người dân không dễ thay đổi. Thành phố cũng chưa đề ra cơ chế chính sách chuyển đổi cho các hộ gia đình giết mổ nhỏ lẻ, vì vậy chưa giải quyết được triệt để vấn đề này.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã có đủ điều kiện xét nghiệm các chất bảo quản thực phẩm trong rau, củ, quả, vệ sinh nguồn nước.UBND thành phố đã kêu gọi nhiều đơn vị tham gia xã hội hóa đầu tư công nghệ kiểm tra nhanh chất lượng lương thực tại các cửa hàng ăn nhanh, chợ đầu mối. UBND thành phố cũng đã ký kết hợp tác với các cơ sở xét nghiệm hiện đại của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Y tế...


Mai Anh
Ý kiến của bạn