Sau số báo 65 ra ngày 22/4/2016, báo Sức khỏe&Đời sống đăng bài Dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng trong rau an toàn: Tại sao doanh nghiệp phủ nhận kết quả kiểm nghiệm?, phóng viên đã tìm đến các cơ quan quản lý về ATTP để làm rõ nguyên nhân vì sao có sự “lệch pha”này và mức độ nghiêm trọng của điều đó bởi kết quả này ảnh hưởng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp...
Rau bẩn do… người kiểm tra
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, ngay sau khi có thông tin, chúng tôi tổ chức điều tra xác minh lại tại các hộ sản xuất. Họ đều có nhật ký sản xuất, ghi chép cẩn thận và làm đúng theo quy trình.
Trụ sở công ty sản xuất rau sạch cho rằng đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng thuốc.
Việc có sự sai lệch kết quả phân tích của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I, theo ông Hồng, sai sót trên là do con người, không thể đổ lỗi tại máy, có thể do cách pha chất gốc để kiểm nghiệm chưa đúng quy trình, không thể có việc lấy mẫu ở 3 địa điểm phường xã khác nhau mà cho ra cùng một hoạt chất vượt ngưỡng. Hệ lụy là ảnh hưởng đến uy tín cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hạ thấp những nỗ lực của nông dân và các cấp, các ngành TP. Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của PV để tình trạng trên sẽ không tái diễn Chi cục BVTV cần có những khuyến cáo gì? Ông Hồng chia sẻ: Một là các đơn vị thuộc Sở phải thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ tại Quyết định 2582/QĐ-UBND ngày 05/6/2015 của UBND TP. Hà Nội về phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội; Hai là khi phát hiện vi phạm là phải xử lý vi phạm, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản đã không thực hiện đúng quy trình từ kiểm tra lấy mẫu cho đến xử lý vi phạm; Ba là khi có thông tin phản hồi, khiếu nại phải điều tra cụ thể, kiểm tra thông tin, kiểm tra kiểm nghiệm, gửi mẫu đến nơi khác để phân tích lại.
Trước đó, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã lấy 10 mẫu rau tại 3 vùng trồng rau lớn của Hà Nội gồm: xã Tráng Việt (huyện Mê Linh); xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) và phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đều phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép. Tuy nhiên, các đơn vị này đã tổ chức kiểm tra đồng ruộng, kiểm tra lại nhật ký sản xuất chứng minh các hộ gia đình sản xuất đều không sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép và đã có đơn kiến nghị, khiếu nại kết quả kiểm nghiệm của Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, yêu cầu phải lấy mẫu kiểm nghiệm lại, trả lại sự công bằng cho người nông dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Văn bản Chi cục QLCL gửi đề nghị xem xét lại kết quả.
Vẫn phải chờ… kiểm tra lại?
Liên hệ làm việc với Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, ông Nguyễn Thạch Cung - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính cho biết: Việc lấy mẫu kiểm nghiệm ở trên là thực hiện chương trình giám sát cảnh báo nguy cơ về ATTP nông lâm thủy sản năm 2016, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Hà Nội có tiến hành lấy mẫu nông, thủy sản trên địa bàn Hà Nội gửi phòng kiểm nghiệm ATTP nông lâm thủy sản được Bộ NN&PTNT chỉ định thuộc Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng I để phân tích các chỉ tiêu ATTP. Sau khi có thông báo kết quả phân tích mẫu, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã gửi thông báo bằng văn bản kết quả giám sát tới các đơn vị sản xuất, kinh doanh để báo cáo, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân đồng thời gửi cơ quan quản lý tại địa phương biết.
Tuy nhiên, thời gian qua, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã nhận được một số đơn khiếu nại và văn bản đề nghị phản hồi từ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khiếu nại về kết quả phân tích mẫu từ các hộ sản xuất, UBND xã Tráng Việt (huyện Mê Linh); UBND xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) và Công ty CP XNK Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á (quận Hoàng Mai). Các đơn vị này cho rằng kết quả của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I hoàn toàn khác bởi vì kết quả phân tích của Phòng phân tích Viện Kiểm nghiệm sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) thì không phát hiện dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng. Vì thế các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh rau đề nghị Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Hà Nội xem xét lấy mẫu kiểm tra lại.
Theo đó, Chi cục cũng đã ban hành Văn bản số 394/QLCL-CL ngày 20/4/2016 gửi Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng I để đảm bảo tính khách quan, chính xác, đề nghị xem xét, rà soát lại kết quả phân tích mẫu để Chi cục có căn cứ trả lời các tổ chức cá nhân có liên quan.
Vậy có hay không chất cấm trong rau của các cơ sở sản xuất trên, nếu có thì phải lập tức tạm dừng trồng, thu hồi và tiêu hủy, tại sao trong Công văn số 344/QLCL-CL ngày 12/4/2016 của Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản Hà Nội lại chỉ “nhắc nhở” các hộ trồng rau cần tuân thủ và kiểm soát.