Tuy nhiên gần đây, một số phim nước ngoài với chi tiết tuyên truyền sai trái chủ quyền biển đảo đã “lọt cửa” kiểm duyệt khiến dư luận rất bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia gồm 11 thành viên, hoạt động theo quy chế được Cục Điện ảnh và Bộ VH-TT&DL ban hành, làm việc theo nhiệm kỳ. Hội đồng này có trách nhiệm tư vấn cho Cục Điện ảnh ra quyết định cuối cùng về việc cấp phép phổ biến và phát hành phim. Các thành viên trong Hội đồng đều là những người có chuyên môn.
Nhưng trên thực tế, một số phim nước ngoài với chi tiết sai trái về chủ quyền biển đảo Việt Nam đã vượt qua kiểm duyệt để chiếu rạp tại nước ta. Gần đây, dư luận vô cùng bức xúc khi bộ phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ (DreamWorks Animation và Pearl Studio sản xuất), ra rạp tại Việt Nam từ đầu tháng 10/2019 có cảnh thể hiện “đường lưỡi bò”. Nhiều khán giả khi xem phim này đã phát hiện hình ảnh đường lưỡi bò được cài cắm trong một số phân cảnh. Ngay cả trong trailer giới thiệu phim có hình ảnh tấm bản đồ đánh dấu các danh thắng nổi tiếng mà nhân vật Yi mơ ước được đặt chân đến, có những đường đứt đoạn giống hình đường lưỡi bò. Tấm bản đồ này xuất hiện nhiều lần trong bộ phim.
Ảnh: Everest: Người tuyết bé nhỏ - phim hoạt hình nước ngoài có chi tiết đường lưỡi bò phi pháp đã bị ngưng chiếu tại Việt Nam.
Ngay sau khi khán giả phản ánh sự việc trên, Cục Điện ảnh đã yêu cầu nhà phát hành Everest: Người tuyết bé nhỏ ngưng chiếu và rút bộ phim khỏi hệ thống rạp từ trung tuần tháng 10. Đại diện Hội đồng Duyệt phim Quốc gia, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, để lọt hình ảnh, chi tiết như khán giả đã phản ánh là sai sót. “Hội đồng nghĩ rằng đó là phim hoạt hình thần thoại dành cho thiếu nhi nên có những lúc xao nhãng, không chú ý, dẫn đến việc để lọt hình ảnh đường lưỡi bò trên bức tường nhân vật đi qua” - bà Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ. Tuy nhiên, nhiều khán giả và giới chuyên môn cho rằng, việc để lọt “đường lưỡi bò” phi pháp trong phim Everest: Người tuyết bé nhỏ khó có thể chấp nhận.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Việt nhấn mạnh, dù chỉ vài giây, nếu không xử lý nghiêm khắc tức là chúng ta không kiên quyết đấu tranh trước hành động sai trái của Trung Quốc (Pearl Studio là đơn vị của Trung Quốc - PV). Hội đồng Duyệt phim phải nhận ra lỗi và nghiêm khắc kỷ luật mới có thể tránh được sự cố đáng tiếc về sau, nếu không việc này sẽ còn lặp lại. Đồng quan điểm, nhà văn Trần Thị Trường bình luận, cho dù chỉ vài giây nhưng đủ để thấy họ (nhà sản xuất phim) rất tinh vi trong việc mưa dầm thấm lâu. Họ đưa hình ảnh chỉ một vài giây thôi, nhưng ai cũng hiểu đấy chính là cái họ đặt dần những bằng chứng cho tương lai của họ. “Chúng ta không cảnh giác thì chúng ta vô tình mất biển, đảo Tổ quốc” - nhà văn Trần Thị Trường nêu ý kiến.
Thật ra, đây là lần thứ hai, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia để lọt những chi tiết liên quan đến chủ quyền biển đảo. Năm 2018, dư luận đã phản ứng gay gắt khi phim Điệp vụ Biển Đỏ do Trung Quốc sản xuất. Nội dung phim này xoay quanh câu chuyện về lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ giải cứu con tin là những kiều dân ở một nước Trung Đông và tiêu diệt bọn khủng bố đang âm mưu sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt thế giới. Nhưng xem phim, khán giả nhận thấy có quá nhiều tình tiết thổi phồng quá đà. Đặc biệt, 2 phút cuối không liên quan tới mạch phim, khi xuất hiện hình ảnh một vùng biển với chú thích “South China Sea, thông báo rằng đây là vùng biển của Trung Quốc và yêu cầu các tàu vào vùng này lập tức rút lui. Thông điệp này không chỉ là cài cắm ý đồ xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo Việt Nam mà là sự ngang nhiên tuyên bố. Trước phản ứng từ dư luận, nhà phát hành Điệp vụ Biển Đỏ tại Việt Nam lập tức ra thông báo “ngừng chiếu vì không có người xem”.
Một số ý kiến cho rằng, cũng nên thông cảm cho Hội đồng Duyệt phim Quốc gia, bởi mỗi năm, 11 thành viên phải căng mình kiểm duyệt khoảng 200 phim ngoại và hơn 40 phim nội chiếu rạp, đa số các thành viên cũng đã lớn tuổi. Nhưng với những sự việc kể trên, công chúng không thể ngồi yên vì những chi tiết, hình ảnh sai trái liên quan đến chủ quyền dân tộc bị cài cắm rất thô thiển. Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cũng khẳng định, sự việc phim Everest: Người tuyết bé nhỏ khiến dư luận bức xúc là nghiêm trọng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự việc nào thì vấn đề quốc gia, chủ quyền lãnh thổ cũng cần phải được đặt lên trên hết. Nếu Hội đồng Duyệt phim để xảy ra sai sót thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng Duyệt phim và công tác quản lý của ngành điện ảnh.
Theo đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn, một kinh nghiệm đối với công tác kiểm duyệt là với những bộ phim hơi gợn hoặc những “ca khó” thì nên mời cả bên ban tuyên giáo, đại diện của công an văn hóa cùng xem để họ cho ý kiến và lập trường quan điểm về chính trị. Công chúng thì mong rằng, thời gian tới, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia sẽ được nâng cao năng lực, cần nhạy bén, kỹ càng hơn để tránh lặp lại hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim” như đã xảy ra thời gian qua.