Ngày 6/11, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đã có 13 địa phương triển khai tiêm vắc-xin Quinvaxem. Số phản ứng sau tiêm có can thiệp của cơ quan y tế là 81 trường hợp. Phần lớn trong số này là sưng tại vết tiêm, sốt. Theo Cục trưởng Trần Đắc Phu, số ca phản ứng có thể tiếp tục xảy ra do vắc-xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào dễ gây dị ứng. Cha mẹ cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ sau tiêm, thông báo đầy đủ cho bác sĩ khám sàng lọc nếu trẻ hoặc cha mẹ của trẻ có cơ địa dị ứng, hen, vì đây là các yếu tố nguy cơ làm tăng phản ứng với vắc-xin.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế cũng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm định tất cả các loại vắc-xin trước khi đưa vào sử dụng trên thị trường. Đặc biệt, đối với vắc-xin Quinvaxem đang được bảo quản ở các tuyến, Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế lập kế hoạch lấy mẫu kiểm định tất cả các lô vắc-xin còn thời gian bảo quản trước khi đưa vào sử dụng. Trong quá trình triển khai tiêm chủng, Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế lấy mẫu kiểm định ngẫu nhiên, đồng thời thực hiện kiểm định mẫu vắc-xin liên quan khi xảy ra phản ứng nặng sau tiêm chủng. Sở Y tế chịu trách nhiệm lập danh sách tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn (kể cả các điểm tiêm chủng dịch vụ) và tiếp tục tiến hành thanh kiểm tra toàn diện tất cả các điểm tiêm chủng. Trường hợp cần thiết thì kiểm tra lại các điểm đã được thanh tra, kiểm tra để xác định tiến độ khắc phục những tồn tại. Chỉ các cơ sở y tế được Sở Y tế thanh tra, kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện tiêm chủng mới được tổ chức tiêm chủng.
Thái Bình