Sân khấu kịch Việt Nam đang cho thấy sự bứt phá và phát triển không ngừng trong nhiều năm qua. Đáng chú ý là gần đây, không ít vở diễn do các nhà hát trong nước thực hiện đã xuất ngoại, tạo tiếng vang lớn và mở ra nhiều điều tốt đẹp. Mới nhất, vở Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam đã đến với khán giả Singapore với nhiều dấu ấn, thành công vang dội...
Thực tế không thể phủ nhận, nhiều nhà hát kịch ở nước ta lâu nay gặp không ít khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... để dàn dựng vở phục vụ khán giả nước nhà. Tuy nhiên, bằng nhiều cách làm khác nhau, các nhà hát từ Bắc chí Nam vẫn sáng đèn, vẫn đầu tư kinh phí và chất xám, tài năng của người nghệ sĩ để đem đến cho công chúng những vở diễn đậm chất nghệ thuật, thấm đẫm tính nhân văn và mang tính giáo dục. Nhưng hơn thế nữa, các nhà hát ở nước ta bấy lâu còn mang nhiều vở diễn “made in Việt Nam” tới bạn bè quốc tế thông qua những chuyến lưu diễn, qua đó tạo ấn tượng mạnh mẽ với khán giả kiều bào và nước sở tại.
Cảnh trong vở Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên, Nhà hát Kịch Việt Nam đưa vở Hamlet - một trong những kiệt tác sân khấu nổi tiếng nhất của nhà viết kịch William Shakespeare tới biểu diễn tại Nhà hát Victoria danh giá và lâu đời nhất của Singapore. Hamlet phiên bản Việt đã được biên tập, rút ngắn so với nguyên tác, nhà hát lấy bản gốc tiếng Anh của kịch bản để chạy phụ đề cho lời thoại giúp khán giả nước ngoài nắm bắt được nội dung của vở diễn kết hợp với sự thể hiện của các nghệ sĩ trên sân khấu. Xem Hamlet của Nhà hát kịch Việt Nam, khán giả nước ngoài nhận thấy đây là một phiên bản mới, nhưng vẫn truyền tải đầy đủ nội dung và những giá trị tư tưởng, thông điệp mà Shakespeare gửi gắm trong tác phẩm. Những tăm tối trong mỗi con người được phơi bày một cách chân thực, trong đó có một Hamlet dũng cảm đối diện với cái ác và quyết liệt tiêu diệt đến tận cùng tội ác, mặc dù phải trả một cái giá rất đắt.
Câu chuyện kịch của thế kỷ 17 được các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam thể hiện dưới góc độ thời hiện đại, đi tìm lời giải đáp về một xã hội phong kiến đang chuyển mình, tan vỡ trong những hoài nghi và giả dối. Vượt lên tất cả, hoàng tử Hamlet và những người bạn đã trở thành biểu tượng niềm tin của một thế hệ trí thức trẻ châu Âu thời Phục hưng, khao khát đi đến tận cùng sự thật và công lý qua những chứng minh, lập luận rõ ràng, không chấp nhận thất bại và không để cái ác lộng hành... Và thật đáng mừng, Hamlet phiên bản Việt diễn tại Singapore đã “thắng lớn” khi thành viên trong đoàn kịch chia sẻ, Nhà hát Victoria - nơi vở Hamlet được biểu diễn luôn đầy ắp khán giả, các nghệ sĩ được chào đón nồng nhiệt, từ khán giả nước sở tại cũng như người Việt đang học tập, làm việc tại Singapore. “Buổi diễn này chính là mốc quan trọng của đời nghệ sĩ và cũng chính là bàn đạp để tôi cũng như Nhà hát Kịch Việt Nam tiến xa và xa hơn nữa” - một diễn viên trong nhà hát này chia sẻ.
Ngược dòng thời gian, vào trung tuần tháng 4/2015, sân khấu kịch Idecaf cũng đã có hơn 10 ngày lưu diễn tại Mỹ với vở Hợp đồng mãnh thú (kịch bản Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh). Thông điệp của Hợp đồng mãnh thú muốn nói: đôi khi con người ta phải biết trả đúng giá cho những thứ mình cần để có được. Và đặc biệt, khán giả xem Hợp đồng mãnh thú để hiểu được bằng hết câu nói “dùng lửa thử vàng, dùng vàng thử đàn bà và dùng đàn bà để thử đàn ông”. Sau những suất diễn tại miền Nam và miền Bắc tiểu bang California, vở Hợp đồng mãnh thú của sân khấu Edicaf luôn thu hút đông đảo khán giả và tất cả người xem đều rất ủng hộ, đón nhận tác phẩm sân khấu đến từ Việt Nam như vở Hamlet trong tháng 3/2016 nói trên. Thậm chí, đại diện sân khấu kịch Edicaf cho biết, không ít khán giả Việt kiều về nước đã mua vé xem vở Hợp đồng mãnh thú đến 17 lần, tới khi vở này được đem sang Mỹ diễn, các khán giả này vẫn mua thêm vé và đến xem mà không thấy chán.
Nhưng vở Hamlet hay Hợp đồng mãnh thú chưa phải là những tác phẩm đứng đầu đem lại những tiếng vang cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà nơi xứ người. Thậm chí, có thể xem hai vở kịch trên là sự kế thừa, tiếp nối cho xu hướng xuất ngoại của kịch Việt. Bởi từ năm 2008, vở Ông bà vú với sự góp sức của danh hài Hoài Linh, sân khấu Nụ Cười Mới thực hiện đã đến với khán giả Mỹ. Ngay sau đó, vào năm 2009 và 2011, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã đưa hai vở kịch do chị viết kịch bản là Người đàn bà thất lạc và Chúng tôi là đến biểu diễn ở New York, Mỹ. Rồi cùng một vở Kỹ nghệ lấy Tây, trên đất Mỹ, Kịch Phú Nhuận biểu diễn năm 2009 và sân khấu kịch Hồng Vân năm 2010. Tất cả những vở kịch diễn ở nước ngoài của các nhà hát nước ta đều thành công tốt đẹp, thu hút một lượng lớn khán giả Việt kiều cũng như quốc tế đến thưởng thức.
Có thể thấy, kịch Việt liên tục xuất ngoại đã không “ế ẩm” mà còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của khán giả. Chắc chắn đó là một niềm vui lớn, niềm tự hào và khích lệ với người làm nghề. Và có lẽ, giới trong nghề hiểu rằng đây là cơ hội lớn, do đó cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa kịch Việt không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn xa, duy trì cảm xúc thăng hoa với khán giả năm châu.