Minh chứng là gần đây, vở Ngũ biến, Chia tay hoàng hôn và vở kịch thiếu nhi Ăn quả trả vàng (Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn) đã giành nhiều giải thưởng khi đến với đấu trường quốc tế.
Thực tế, thời gian qua, sân khấu từ các nhà hát vẫn đỏ đèn biểu diễn phục vụ người xem nhưng không thu hút khán giả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một phần vì các loại hình giải trí mới như gameshow truyền hình, hài kịch, âm nhạc... chi phối, cạnh tranh thị phần khán giả. Bên cạnh đó, giới chuyên gia đánh giá, điểm yếu nội tại của sân khấu Việt là thiếu kịch bản hay, mới lạ; kinh phí dựng vở hạn chế, thiết bị kỹ thuật (âm thanh, ánh sáng, đạo cụ...) còn lạc hậu gây khó khăn cho việc dàn dựng, truyền tải các ý tưởng của vở diễn.
Đứng trước không ít khó khăn, thử thách kể trên nhưng nhiều nhà hát vẫn nỗ lực cho ra đời các vở diễn chất lượng. Minh chứng là khi Bộ VH-TT&DL đưa các vở diễn chất lượng cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các buổi diễn đều có khán giả ngồi kín chỗ. Không những thế, khi các nhà hát mạnh dạn đưa các tác phẩm sân khấu ra nước ngoài biểu diễn, tham dự các liên hoan sân khấu còn được khán giả nước sở tại đón nhận, đoạt nhiều giải thưởng danh giá và uy tín.
Cảnh trong vở Chia tay hoàng hôn của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Thông tin từ Nhà hát Kịch Việt Nam gần đây, một số vở diễn của nhà hát đến với bạn bè quốc tế đã thu về nhiều “trái ngọt”, qua đó khích lệ, động viên các nghệ sĩ thêm yêu và nỗ lực hơn trong hoạt động nghề nghiệp. Tại “Tuần lễ Liên hoan và Diễn đàn Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 5” tổ chức tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với 11 nước tham gia vừa qua, hai vở diễn gồm Chia tay hoàng hôn và vở kịch thiếu nhi Ăn quả trả vàng do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện đã được Ban Tổ chức trao giải “Hoa râm bụt” dành cho vở diễn xuất sắc. Ngoài ra, các NSND Lệ Ngọc, NSƯT Lâm Tùng, Khánh Linh, Lâm Cương cũng được vinh danh “Diễn viên xuất sắc” tại sự kiện sân khấu quy mô diễn ra tại Trung Quốc.
Sở dĩ hai vở diễn trên thu về nhiều thành công bởi đã đem đến cho khán giả quốc tế những tác phẩm sân khấu chất lượng, giàu giá trị và thông điệp nghệ thuật. Vở Chia tay hoàng hôn (tác giả: Sỹ Hanh - đạo diễn: NSND Xuân Huyền) là vở diễn tâm lý xã hội thể hiện những bi kịch gia đình trong xã hội ngày nay khi con người ngày càng chú trọng và coi việc kiếm tiền là đích tới cao nhất, thậm chí định giá trị cao thấp thông qua tiền bạc. Câu chuyện đã được kể lại qua diễn xuất tinh tế của những nghệ sĩ kỳ cựu NSND Lệ Ngọc, NSƯT Ánh Hồng, NSƯT Danh Nhân, NSƯT Lâm Tùng, Mai Nguyên, Ngân Hoa, Tạ Minh... Thông qua những xung đột của các gia đình, các thế hệ, Chia tay hoàng hôn phần nào thể hiện sự nhọc nhằn của giới văn nghệ sĩ, những thoái hóa, biến chất do tham nhũng... trong bối cảnh xã hội chạy theo đồng tiền. Đồng thời, vở diễn này truyền tải thông điệp về tình cảm gia đình, khi yêu thương không còn nhiều, sẽ rất cần một sự thức tỉnh, kết thúc những ngày sống mòn, bắt đầu sống đúng với con người mình cùng bao ước vọng cao xa. Đó cũng là cách chia tay hoàng hôn để bắt đầu một bình minh mới...
Trong khi đó, vở kịch thiếu nhi Ăn quả trả vàng (tác giả và đạo diễn NSND Anh Tú) lại đem đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau, được khai thác và chuyển thể từ truyện cổ tích Cây khế của Việt Nam. Đây là vở diễn đặc sắc và được khán giả, giới chuyên môn đánh giá cao bởi không đơn thuần là thoại kịch nhí nhảnh mà còn có sự kết hợp với ảo thuật, xiếc thú, nhảy hiện đại Bống bống bang bang.
Không chỉ có hai vở diễn thành công kể trên, Nhà hát Kịch Việt Nam còn có vở Ngũ biến biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Princesse Grace, Monaco (Pháp) tại Liên hoan Sân khấu thế giới Monaco 2017 (Mondial du Theatre Monaco 2017) vừa qua, với sự góp mặt của 24 đoàn nước ngoài. Ngũ biến đã được Ban tổ chức Liên hoan Hiệp hội Sân khấu thế giới trao Kỷ niệm chương vì vở diễn đã giới thiệu đến bạn bè quốc tế di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, đó là nghi lễ hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngũ biến là vở diễn người nghệ sĩ hóa thân vào 5 nhân vật trên cơ sở 5 giá đồng của tín ngưỡng văn hóa lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu trong tâm linh của người Việt. Tiết mục do NSND Lệ Ngọc biểu diễn với sự cộng tác của NSƯT Lâm Tùng và các diễn viên khác đã giúp khán giả quốc tế hiểu về văn hóa thờ Mẫu và hầu đồng của người Việt, sự lộng lẫy về trang phục, ánh sáng, bài trí sân khấu cùng âm nhạc hòa quyện với những điệu hát quyến rũ đã tạo một ấn tượng đặc biệt đối với khán giả tại Pháp nói riêng, thế giới nói chung.
Thông qua các vở diễn thu về nhiều thành tựu tốt đẹp ở đấu trường quốc tế kể trên, giới làm nghề cho rằng đó là động lực để nghệ thuật sân khấu nước nhà bước qua những khó khăn, thử thách và có thêm nhiều tác phẩm hay, đặc sắc. Và từ đó giúp các nghệ sĩ có thêm niềm tin, động lực để cống hiến, “sống chết” với nghề!