Hà Nội

Kích thích tiết sữa bằng thuốc và lưu ý khi dùng

18-10-2016 13:54 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ, tuy nhiên rất nhiều trường hợp bà mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu mà cần đến những thuốc hỗ trợ tiết sữa.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ, tuy nhiên rất nhiều trường hợp bà mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu mà cần đến những thuốc hỗ trợ tiết sữa. Trước khi sử dụng thuốc lợi sữa cho các bà mẹ sau sinh, cần lưu ý giải quyết tốt các yếu tố gây mất sữa như trẻ lười bú, chế độ ăn của mẹ không đầy đủ chất dinh dưỡng…
Kích thích tiết sữa bằng thuốc và lưu ý khi dùng 1
Cấu tạo tuyến sữa.
Quá trình tiết sữa ở người được kiểm soát bởi sự tương tác qua lại của nhiều loại hormon, trong đó, prolactin có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong thời kỳ mang thai, dưới tác dụng của một số loại như estrogen, progesterone, insulin, cortisol và thyroxine, nhu mô tuyến vú sẽ tăng sinh, hệ thống ống tuyến và nang tuyến để chuẩn bị cho việc bắt đầu tiết sữa. Quá trình tiết sữa sẽ bắt đầu khi nồng độ prolactin trong máu tăng cao, do nồng độ progesterone giảm xuống sau sinh hoặc khi kích thích vào núm vú. Nhiều loại thuốc cũng có tác dụng kích thích quá trình tiết sữa, chủ yếu thông qua cơ chế cạnh tranh với thụ thể dopamine, từ đó dẫn đến tăng giải phóng prolactin từ tuyến yên. Dưới đây là một số thuốc có tác dụng kích thích quá trình tiết sữa.

Metoclopramide

Đây là thuốc có tác dụng kích thích đường tiêu hóa, thường được sử dụng trên lâm sàng để điều trị triệu chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, liệt dạ dày do tiểu đường, dự phòng hoặc điều trị buồn nôn và nôn do dùng hóa chất, sau phẫu thuật… Ngoài ra, thuốc cũng có tác dụng kích thích tiết sữa thông qua việc ngăn chặn sự giải phóng dopamine ở hệ thần kinh trung ương, từ đó làm tăng nồng độ prolactin trong máu. Khi dùng quá liều, metoclopramide có thể gây các biểu hiện ngoại tháp như run chân tay, rối loạn vận động và trương lực. Do đó, khi sử dụng với mục đích kích thích tạo sữa, tính an toàn của thuốc đối với trẻ là vấn đề hết sức được quan tâm. Các nghiên cứu cho thấy, với liều uống 10mg của mẹ, nồng độ metoclopramide xuất hiện trong sữa khá thấp và tổng lượng thuốc được hấp thu vào cơ thể trẻ hoàn toàn trong giới hạn cho phép đối với cả các trẻ đẻ đủ tháng và thiếu tháng. Ngoài ra, việc sử dụng metoclopramide cũng được chứng minh là không gây ảnh hưởng đến số lượng của các hormon prolactin, hormon tăng trưởng hoặc thyroxine ở trẻ. Tác dụng lợi sữa của metoclopramide cũng đã được nghiên cứu đánh giá ở các mức liều khác nhau. Các nghiên cứu sau đó với liều 30mg metoclopramide hằng ngày trên các bà mẹ bị thiếu sữa một phần hoặc hoàn toàn cho thấy, tác dụng lợi sữa thường xuất hiện sau dùng thuốc 3 - 4 ngày và có thể sẽ giảm dần sau khi ngưng thuốc, không có tác dụng phụ nào của metoclopramide được ghi nhận với mức liều này. Không chỉ có tác dụng tăng cường tiết sữa ở các bà mẹ sau sinh, metoclopramide còn được sử dụng thành công để kích thích tiết sữa ở những phụ nữ không mang bầu trước đó, ví dụ như các bà mẹ cần sữa để nuôi con nuôi hoặc nhờ mang thai hộ, tuy nhiên, lượng sữa thu được trong những trường hợp này thường không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của trẻ. Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của mẹ là hết sức cần thiết để duy trì tác dụng lợi sữa của thuốc.

Domperidone

Domperidone cũng là một thuốc có tác dụng đối kháng dopamine và gây tăng nồng độ prolactin trong máu, thường được dùng để điều trị đầy hơi mạn tính sau ăn, viêm thực quản trào ngược và buồn nôn. So sánh với metoclopramide, domperidone có trọng lượng phân tử lớn hơn và ít tan hơn trong mỡ nên ít xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và ít có nguy cơ gây tác dụng ngoại tháp. Ngoài ra, thuốc cũng ít bài tiết vào sữa hơn so với metoclopramide nên có thể an toàn hơn với trẻ bú mẹ. Các kết quả nghiên cứu có được cho đến nay đã khẳng định tác dụng lợi sữa và tính an toàn của domperidone khi sử dụng ngắn hạn, tuy nhiên, tác dụng dài hạn của thuốc còn cần phải được nghiên cứu thêm.

Sulpiride

Sulpiride là một loại thuốc an thần, có tác dụng làm tăng nồng độ hormon giải phóng prolactin ở vùng dưới đồi, từ đó có tác dụng lợi sữa. Phản ứng phụ thường gặp của sulpiride ở mẹ là các biểu hiện ngoại tháp và tăng cân. Tác dụng lợi sữa của thuốc đã được chứng minh, tuy nhiên, tác dụng phụ và nồng độ cao của thuốc được bài tiết vào sữa cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Chlorpromazine

Chlorpromazine cũng là một loại thuốc an thần có tác dụng kích thích tạo sữa. Cơ chế tác dụng của chlorpromazine là phong bế thụ thể dopamine, từ đó làm tăng nồng độ prolactin trong máu. Cũng giống như với sulpiride, nhược điểm lớn nhất của chlorpromazine chính là gây tác dụng phụ ngoại tháp và tăng cân.

Oxytocin

Oxytocin dạng xịt mũi cũng có thể là một lựa chọn giúp tăng cường tiết sữa ở phụ nữ sau sinh. Các nghiên cứu cho thấy, oxytocin xịt mũi giúp tăng 3-5 lần lượng sữa của các bà mẹ đẻ con so và tăng 2 lần lượng sữa ở các bà mẹ đẻ con dạ, thành phần của sữa không bị thay đổi đáng kể. Nhược điểm lớn nhất của thuốc là chưa được khảo sát qua các nghiên cứu có quy mô lớn.


BS. Nguyễn Hữu Trường
Ý kiến của bạn