Hà Nội

Kích thích não sâu bằng cấy dây dẫn điện vào não cải thiện chức năng nhận thức trong bệnh Alzheimer

14-03-2018 20:32 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mới đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm y khoa Wexner ở thành phố Columbus (Đại học bang Ohio, Hoa Kỳ) đã công bố việc áp dụng liệu pháp kích thích não sâu (deep brain stimulation, DBS) để làm chậm tình trạng suy giảm chức năng nhận thức có liên quan đến bệnh Alzheimer.

Thành quả này có thể giúp cho những bệnh nhân Alzheimer kéo dài cuộc sống tự chủ.

Theo số liệu mới nhất vào năm 2016, ở Hoa Kỳ, cứ 66 giây thì có một người phát triển bệnh Alzheimer, với tổng số bệnh nhân hiện tại đang sống với căn bệnh này lên đến 5,4 triệu người. Đây là rối loạn được đặc trưng bởi tình trạng mất trí nhớ tiến triển và suy giảm các chức năng nhận thức khác có liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện những hoạt động thường nhật trong cuộc sống. Hiện tại, chưa có một liệu pháp nào có thể chữa lành được bệnh Alzheimer, do đó việc trị liệu chủ yếu tập trung vào kiểm soát các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là làm thế nào để kéo dài khả năng thực hiện được những hoạt động thường nhật của bệnh nhân càng lâu càng tốt, nhằm nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.

Theo TS. Scharre, trưởng nhóm nghiên cứu, hiện tại có rất nhiều công cụ, phương tiện hỗ trợ cũng như các thuốc điều trị để giúp bệnh nhân Alzheimer cải thiện khả năng ghi nhớ, tuy nhiên không có liệu pháp nào có thể giúp cho bệnh nhân đánh giá, đưa ra quyết định đúng đắn, hay tăng khả năng tập trung chú ý có chọn lọc vào công việc đang thực hiện để tránh phân tán. Những kỹ năng này thật sự cần thiết để bệnh nhân thực hiện những công việc hằng ngày chẳng hạn như chuẩn bị giường ngủ, lựa chọn và chuẩn bị bữa ăn hay có những tương tác xã hội hiệu quả với bạn bè và gia đình. Chính vì vậy, việc áp dụng một liệu pháp mới có khả năng giúp bệnh nhân Alzheimer cải thiện được tình trạng này có một ý nghĩa thực tế rất lớn.

Liệu pháp kích thích não sâu có thể giúp cải thiện các chức năng nhận thức của bệnh nhân Alzheimer và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.

Liệu pháp kích thích não sâu có thể giúp cải thiện các chức năng nhận thức của bệnh nhân Alzheimer và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.

Liệu pháp kích thích não sâu bằng cấy dây dẫn điện vào não

Theo các nhà khoa học, với phương pháp mới này, những dây dẫn điện rất mỏng sẽ được cấy vào thuỳ trước (thuỳ trán) của não bộ bệnh nhân để thực hiện sự kích thích điện ở những vùng sâu trong não. Thùy trán nằm phía trước não là thuỳ lớn nhất trong 4 thuỳ chính của não bộ con người và chứa phần lớn các neuron nhạy cảm với chất dẫn truyền thần kinh dopamin ở vỏ não. Dopamin có tác dụng giới hạn và lựa chọn các thông tin cảm giác từ vùng dưới đồi đi đến não trước. Đây là vùng não cực kỳ quan trọng trong việc giúp con người đưa ra quyết định vì nó có liên quan đến trí nhớ ngắn hạn (working memory), các chức năng điều hành, khả năng tập trung, lập kế hoạch và thúc đẩy hành động. Tín hiệu điện được phóng thích qua các dây dẫn được cấy vào não sẽ kích thích những hệ thống mạng lưới có liên quan trong não bao gồm vùng nang bụng/vân bụng (ventral capsule/ventral striatum, VC/VS). Ngoài ra, một thiết bị khác sẽ được cấy ở ngực chịu trách nhiệm kiểm soát phóng thích xung điện.

Những bệnh nhân Alzheimer tham gia nghiên cứu được thực hiện kích thích não sâu trong ít nhất 18 tháng ở đích VC/VS và sau đó được so sánh bằng thang điểm CDR-SB (Clinical Dementia Rating-Sum of Boxes) và hình ảnh chụp não bằng chụp cắt lớp phát xạ positron có chất đánh dấu 2-Deoxy-2-[18F]fluoro-D-glucose (chụp FDG-PET) so với nhóm đối chứng.

Kết quả của thử nghiệm cho thấy rất khả quan

Các bệnh nhân Alzheimer tự nguyện tham gia vào thử nghiệm này đều được cấy thiết bị vào não và đều cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh. Trong đó, có 1 bệnh nhân nữ 85 tuổi đã không thể thực hiện được một số hoạt động thường nhật, như chuẩn bị bữa ăn, trước khi được can thiệp bằng liệu pháp. Sau 2 năm trị liệu bằng kích thích não sâu, bệnh nhân này đã có thể bắt đầu có khả năng lập kế hoạch và chuẩn bị được một số bữa ăn đơn giản, sắp xếp để ra khỏi nhà, mang theo một lượng tiền mặt thích hợp khi ra ngoài và lựa chọn áo quần để mặc tuỳ vào thời tiết. Bệnh nhân có thể khôi phục được tính tự chủ trong nhiều mặt của cuộc sống hằng ngày.

Đây là bước tiền đề để các nhà nghiên cứu tìm ta những phương pháp điều trị hiệu quả và ít xâm lấn hơn hoặc không phải dùng đến ngoại khoa để có thể thực hiện kích thích não sâu nhằm khiến cho liệu pháp điều trị này trở nên dễ dàng hơn đối với những bệnh nhân đang sống với bệnh Alzheimer.


DS. Trần Thái Sơn
Ý kiến của bạn