Kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu Việt Nam: Sống mãi với thời gian

20-08-2018 15:49 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Đó là đánh giá của hầu hết giới chuyên môn tại Hội thảo “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với Sân khấu đương đại Việt Nam” diễn ra vào 20/8/2018 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ.

Có thể nói, Lưu Quang Vũ là một trong những nghệ sĩ lớn của sân khấu cũng như tác giả nổi bật của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, giữa lúc tài năng đang vào độ chín, vào ngày 29/8/1988, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ. Sự ra đi đột ngột của Lưu Quang Vũ và vợ con ông thời điểm ấy khiến cả giới văn nghệ nước nhà rất đau xót.

Vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - nhà thơ Xuân Quỳnh (Ảnh tư liệu)


Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, sinh thời Lưu Quang Vũ đã sáng tác 53 vở kịch, hàng trăm bài thơ, truyện ngắn và những bài viết về sân khấu. Cuộc đời và tác phẩm của  ông luôn được bạn bè trong giới, người đọc, khán giả đón nhận với vị trí rất trang trọng. “Kịch Lưu Quang Vũ đầy tính triết lý, nhưng cũng rất nhân văn, luôn hướng đến giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Những tác phẩm của Lưu Quang Vũ ra đời như những luồng gió mới mang hơi thở của thời đại… Kịch của ông luôn hướng tới cái đẹp, cái cao thượng, là niềm khát khao cải tạo xã hội, đề cao phẩm giá con người dám nghĩ dám làm để hoàn thiện hơn trong cuộc sống” – NSND Lê Tiến Thọ đánh giá.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ làm nghề cũng cho rằng Lưu Quang Vũ nắm bắt được những vấn đề nóng bỏng của đời sống mà khán giả quan tâm, cộng với khả năng quan sát tinh tế và tri thức xã hội uyên thâm của một nghệ sĩ tài năng, ông đã biết cách nhân cách hóa những chi tiết trong đời thường để trở thành những trò diễn hấp dẫn, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật mang tính khái quát điển hình, vươn tới ý nghĩa thời đại.

Hồn Trương Ba da hàng thịt là một trong những tác phẩm sân khấu kinh điển của Lưu Quang Vũ, được nhiều khán giả trong và ngoài nước yêu mến, đánh giá cao.

Theo NSND Doãn Châu, người bạn thân thiết của Lưu Quang Vũ - lúc sinh thời, Lưu Quang Vũ là tác giả dám xông vào một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm của xã hội lúc đó, vì thế tác giả họ Lưu gần như một “hiệp sĩ” dấn thân vào cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới với một tấm lòng khát khao cháy bỏng, dùng ngòi bút của mình góp phần vào sự đổi thay của đất nước, mang lại sự công bằng, ấm no hạnh phúc cho mọi nhà. “Chính vì vậy, kịch bản của Lưu Quang Vũ luôn có sự tìm tòi về cả nội dung, hình thức, cấu trúc… để làm sao vở diễn đến được với công chúng và lột tả được tốt nhất những gì muốn nói, cần nói” – NSND Doãn Châu chia sẻ.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền lại cho rằng điều quan trọng nhất trong Lưu Quang Vũ để trở thành hiện tượng sân khấu là tính tư tưởng trong những thông điệp rõ ràng, sâu sắc ở mỗi kịch bản. Ngoài ra, không như những tác giả khác, Lưu Quang Vũ viết đa dạng đề tài, thể loại. Chèo có “Nàng Sita”, đề tài quân đội có “Lời thề thứ 9”, hài kịch có “Bệnh sĩ”, đề tài công nghiệp có "Tôi và chúng ta", "Khoảnh khắc vô tận"…; ngành y là “Nguồn sáng trong đời”, lĩnh vực giáo dục có “Mùa hạ cuối cùng”… Theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, sức sống trong kịch bản Lưu Quang Vũ còn tồn tại với thời gian bởi cuộc sống luôn thay đổi trong dòng chảy bất tận, song vấn đề con người với triết lý nhân sinh lại là vấn đề muôn thuở không bao giờ cũ.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn