Năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận các ca tử vong do mắc tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, dại, viêm não virut. Đây đều là những bệnh thường gia tăng vào mùa hè, thậm chí có thể bùng phát thành dịch. Đây là thông tin được PGS. TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh mùa hè do Bộ Y tế tổ chức diễn ra chiều ngày 8/5 tại Bộ Y tế...
Nhiều dịch bệnh cùng lúc diễn biến phức tạp
Thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 191 ca viêm não virut - tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, chúng ta cũng ghi nhận 15 ca tử vong do bệnh dại, 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, 2 ca tử vong do bệnh tay-chân-miệng, 2 trường hợp cúm A/H5N1 tử vong và 136 ca tử vong và nặng xin về liên quan đến sởi.
TS. Trần Đắc Phu cũng cho biết thêm, Việt Nam cũng có những người học tập, lao động tại Trung Đông, do đó, nếu chúng ta không có biện pháp phòng tránh tốt thì có thể lây nhiễm và mang mầm bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông vào nước ta. Tương tự, dịch cúm A/H7N9 chủ yếu tại Trung Quốc hiện có xu hướng giảm nhưng chưa chấm dứt. Vào mùa đông - xuân, dịch có thể bùng phát lại. Dịch cúm A/H5N1 tại Camphuchia cũng hết sức phức tạp vì số mắc cao, giao lưu đi lại giữa hai nước nhiều. Virut cúm luôn luôn biến đổi, biến chủng phức tạp từ cúm này sang cúm khác nên cần được tiếp tục theo dõi.
Bệnh tay-chân-miệng bắt đầu tăng cao ở một số tỉnh, đã có hơn 17.000 ca mắc và 2 trẻ tử vong ở Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cảnh báo sẽ có diễn biến phức tạp trong năm nay. Cùng với đó, bệnh sốt xuất huyết cũng diễn biến hết sức phức tạp với 8.137 trường hợp mắc tại 41 địa phương, trong khi hiện bệnh chưa có vaccin. Đồng thời ý thức phòng chống bệnh của người dân vẫn chưa cao.
Hiện dịch sởi tại một số địa phương ở nước ta đã chững lại và bắt đầu giảm. Cũng tại cuộc họp, PGS.TS. Phạm Nhật An - Phó Giám đốc BV Nhi TW cho biết, hiện sức ép quá tải tại BV đã giảm nhiều nên vấn đề lây nhiễm chéo cũng giảm hẳn. Hiện tại, còn hơn 200 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị nội trú tại BV.
Liên quan đến bệnh bại liệt-hoang dại mà Tổ chức Y tế Thế giới vừa cảnh báo, Bộ Y tế cho biết, Bộ đang theo dõi chặt chẽ virut bại liệt hoang dại - đang tăng cao ở một số nước.
Phòng, chống dịch: Cần cả ngành y tế, chính quyền địa phương và người dân
Theo ông Phu, dịch bệnh trên cả nước, khu vực thế giới chứa nhiều nguy cơ bùng phát. Trong thời gian tới, ngành y tế tập trung các biện pháp phòng chống các bệnh mùa hè, lưu ý tay-chân-miệng và sốt xuất huyết. “Hiện nay, Bộ thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác chống dịch tại 16 địa phương. Tuy nhiên, cần lưu ý là giải quyết vấn đề dịch phải là chính quyền địa phương và có cả sự đồng hành của người dân trong việc tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch, ngành y tế chỉ tham mưu quyết liệt chứ một mình ngành y tế khó có thể giải quyết được hết dịch bệnh”, ông Phu nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các BV tuyến TW đề nghị thực hiện quyết liệt công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống bệnh tay-chân-miệng và sốt xuất huyết. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện phân tuyến điều trị tại các BV, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho BV tuyến trên. Thực hiện nghiêm việc cách ly, phân loại bệnh nhân, áp dụng các biện pháp chống nhiễm khuẩn trong BV; hướng dẫn người nhà bệnh nhân áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế để chống lây nhiễm chéo. Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ các BV tuyến dưới khi có yêu cầu; chủ động cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp hỗ trợ các BV vệ tinh để giảm việc chuyển tuyến. Kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, xác định đối tượng và các yếu tố, khu vực nguy cơ để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không để bệnh bùng phát trong cộng đồng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo SK&ĐS bên lề cuộc họp báo về việc có nhiều ý kiến lo ngại chúng ta sẽ phải đối mặt với việc “dịch bệnh chồng dịch bệnh”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dịch bệnh thường xuất hiện gia tăng theo chu kỳ. Từ kinh nghiệm trong việc phòng, chống bệnh sởi, đối với các dịch bệnh khác, trong năm 2014 này, ngành y tế hết sức đề cao cảnh giác trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngành y tế đã “kích hoạt” hệ thống y tế trên toàn quốc từ dự phòng đến điều trị rồi đảm bảo vaccin, nâng cao năng lực chuyên môn của y tế các tuyến... nhằm giải quyết triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh, quyết liệt không để dịch bệnh bùng phát.
16 giờ chiều ngày 8/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế đã có cuộc họp với các đơn vị của ngành y tế TP. Hà Nội về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Chủ trì và phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, chủ động đối phó với tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, vấn đề giảm tử vong và phòng chống lây nhiễm chéo cần được quan tâm hàng đầu, không chỉ tại các BV tuyến TW mà ngay tại các địa phương cần tích cực triển khai. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cần rà soát, sửa đổi phác đồ điều trị các bệnh truyền nhiễm; đào tạo tăng cường tập huấn, trao đổi nghiệp vụ giữa các BV...
Anh Tuấn