Hà Nội

Kích hoạt đường huyết cao làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19

15-07-2020 17:11 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, sự căng thẳng do COVID-19 nghiêm trọng có thể kích hoạt lượng đường trong máu cao bất thường, ngay cả ở những người không bị bệnh tiểu đường. Điều này gắn liền với tăng tỷ lệ tử vong do COVID-19.

Theo BS Yang Jin, Bệnh viện Union và Đại học Y khoa Tongji, Vũ Hán, nồng độ đường trong máu cao được đo tại thời điểm nhập viện cũng liên quan đến bệnh nặng hơn và các biến chứng của COVID-19.

Bệnh tiểu đường đã được biết là làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc COVID-19 nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong ở những người bị nhiễm SARS-CoV-2, nhưng lượng đường trong máu cao ngay cả ở những người không được chẩn đoán bệnh tiểu đường cũng làm tăng mức độ nghiêm trọng và tử vong…

Nhóm của Jin đã xem xét hồ sơ bệnh án của hơn 600 bệnh nhân liên tiếp được điều trị tại hai bệnh viện Vũ Hán trong gần một tháng vào tháng 1 và tháng 2. Các bệnh nhân có tuổi trung bình là 59. Các nhà nghiên cứu đặc biệt xem xét chỉ số đường trong máu của từng bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của viêm phổi liên quan đến COVID-19 và kết quả của bệnh nhân về mức độ nghiêm trọng của bệnh và tử vong. Không ai trong số các bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường trước đó.

Tổng cộng có 114 bệnh nhân đã tử vong trong bệnh viện. Đàn ông có nguy cơ tử vong cao hơn 75% so với phụ nữ. Mức độ đường huyết cao lúc đói được phát hiện làm tăng nguy cơ này.

Trong tổng số nhóm bệnh nhân, khoảng một phần ba (29%) rơi vào nhóm đường huyết lúc đói rất cao (nếu kéo dài có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2), 17% có mức đường huyết tương tự "tiền đái tháo đường".

Nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân thuộc nhóm đường huyết rất cao có nguy cơ tử vong do COVID-19 tăng gấp 2,3 lần so với những người có chỉ số đường huyết thấp nhất, và ngay cả những người có chỉ số cho thấy tiền đái tháo đường có nguy cơ tử vong cao hơn 71% .

Tỷ lệ mắc các biến chứng nguy hiểm của COVID-19 cũng tăng gấp 4 lần ở những người thuộc nhóm đường trong máu cao và tăng gấp 2,6 lần ở những người có lượng đường trong máu “tiền tiểu đường”.

Chuyên gia về bệnh tiểu đường, TS Minisha Sood, Bệnh viện Lenox Hill ở thành phố New York lưu ý, ngay cả ở những người không mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu có thể tăng đột biến để đáp ứng với tình huống căng thẳng (tăng đường huyết do stress). Căng thẳng khiến các hormon làm tăng lượng đường trong máu (glucose) được tiết ra, tính kháng insulin được đẩy mạnh dẫn tới lượng đường trong máu tăng lên.

Dựa trên các phát hiện này, các tác giả nghiên cứu khuyên rằng nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu vào danh sách các xét nghiệm mà bác sĩ sử dụng để theo dõi rủi ro cho bệnh nhân COVID-19.

Stress kéo dài kích hoạt hệ trục: hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận sản sinh 2 hormon cơ bản chống lại stress là: Adrenaline và cortisone. Đồng thời, 2 hormon này còn làm gia tăng đường huyết, rối loạn chuyển hóa cơ bản, béo phì… khiến những người mắc stress kéo dài nhanh chóng mắc bệnh Đái tháo đường. Đồng thời, bệnh nhân tiểu đường bị stress kéo dài lại trở nên khó kiểm soát mức đường huyết. Cần giúp người bệnh giải tỏa stress để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.


Bảo Lâm
Ý kiến của bạn