Mùa hè nhiều năm qua được xem là “mùa vàng” của sân khấu kịch thiếu nhi ở nước ta. Để phục vụ các khán giả nhí, nhiều nhà hát đã cho ra đời không ít vở diễn vui tươi, đem lại tiếng cười sảng khoái nhưng cũng chứa đựng tính nhân văn, giáo dục các em nhỏ về nhân cách, tình yêu thương con người, lòng dũng cảm...
Được đón chờ ở sân khấu kịch thiếu nhi sắp tới là vở nhạc kịch Chuyện chàng dũng sĩ do NSND Anh Tú (Nhà hát Kịch Việt Nam) đạo diễn. Chuyện chàng dũng sĩ được phóng tác và dàn dựng từ sử thi Đam San của dân tộc Ê Đê - Tây Nguyên. Trong vở diễn này, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đã sử dụng chất liệu thuần Việt để xây dựng vở kịch nhằm giúp các em nhỏ hiểu rõ nội dung, tính nghệ thuật của tác phẩm. Trong đó, nhạc kịch Chuyện chàng dũng sĩ với những màn diễn mới lạ, hấp dẫn như: nhảy múa, đấu võ giữa Đam San với Tù trưởng Sắt và Tù trưởng Quạ. Màn đấu võ được lồng ghép với những ca khúc gần gũi với các em thiếu nhi và mang tính giáo dục sâu sắc. Qua vở diễn này, các em nhỏ thấy được hình ảnh chàng dũng sĩ Đam San trở thành hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm bảo vệ con người của dân tộc và cộng đồng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu.
Dịp hè 2018, các em nhỏ sẽ được thưởng thức vở kịch đặc sắc Chuyện chàng dũng sĩ do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.
Đáng chú ý, từ trung tuần tháng 5/2018, Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu nhiều vở kịch thiếu nhi. Đó là vở Nàng tiên cá đã được phóng tác mới mẻ, hấp dẫn, gần gũi với đời sống hiện đại với các em nhỏ nhưng vẫn giữ được các yếu tố thần thoại, giàu tính tưởng tượng của cốt truyện gốc của đại văn hào Andersen. Nàng tiên cá gồm các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch đặc sắc kết hợp với sân khấu công nghệ 5D chìm dưới nước biển vừa mới lạ vừa độc đáo. Trong khi đó, vở Niềm vui của đám gà nhà do Đinh Tiến Dũng viết kịch bản lại là câu chuyện hấp dẫn, là bài học sâu sắc về tình bạn dành cho các em thiếu nhi thông qua các nhân vật Đại Bàng, biệt đội Hắc Ám 3C (gồm Chồn, Cáo, Chuột).
Bên cạnh đó, vở kịch Căn bếp đại chiến là câu chuyện về cuộc đối đầu giữa những con chuột ranh ma do chuột cống cầm đầu và chú mèo con gan dạ. Bối cảnh chính của câu chuyện xảy ra trong gian bếp nơi các đồ vật có “cuộc sống” thanh bình như: bác nồi đa năng, chị chổi lúa, cô tạp dề, anh thùng rác… Tuy nhiên, cuộc sống của căn bếp bất ngờ bị đảo lộn do sự xuất hiện của đàn chuột. Lũ chuột chiếm lĩnh và làm bá chủ căn bếp, chúng luôn lục tung tất cả các đồ vật trong bếp để tìm đồ ăn. Không chỉ thế, chúng còn bắt các thành viên trong bếp phải cống nạp thức ăn. Nếu không thực hiện điều lũ chuột muốn, các đồ vật sẽ bị nhai, cắn, cấu, xé sống dở chết dở. Mọi chuyện chỉ đi vào trật tự khi chủ nhà đã mang về một chú mèo con, chú mèo đã gan dạ đuổi đánh những con chuột lỳ lợm, ranh mãnh để trở thành vị cứu tinh của cả căn bếp.
Tại TP. Hồ Chí Minh, khán giả nhí có cơ hội được thưởng thức chương trình Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp... của Sân khấu kịch IDECAF. Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản của chương trình này là nghệ sĩ Vũ Minh. Theo đó, Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp... có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ tên tuổi, được khán giả nhí yêu thích như Thành Lộc, Hữu Châu, Đình Toàn, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, các diễn viên trẻ Dương Lâm, Don Nguyễn. Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp vẫn dựa trên câu chuyện đã có sẵn nhưng được biến tấu với hàng loạt những tình huống dở khóc dở cười của các tên cướp cùng với cây đèn thần trôi dạt từ Ấn Độ đến Ba Tư. Đó còn là hành trình mà Alibaba lấy lại những thứ người dân đã bị cướp để trả lại cho dân. Qua đó, khán giả nhí có thể học được sự dũng cảm, tính đấu tranh và lòng nhân ái.
Thực tế trên cho thấy, sân khấu kịch thiếu nhi nhộn nhịp nhất vào dịp hè. Nhưng cũng từ đây, công chúng nhận thấy sân khấu kịch cho các em nhỏ đang làm theo “mùa vụ” vì ngày thường hoặc thời gian khác trong năm các em nhỏ thường “đói” tác phẩm sân khấu phù hợp hoặc dành riêng cho lứa tuổi của mình, hè về lại “bội thực”. Ngoài ra, tuy đã có các vở kịch thiếu nhi kể trên nhưng đa số được dàn dựng, chuyển thể từ truyện cổ tích, dân gian trong và ngoài nước, số lượng kịch bản được sáng tác mới không nhiều và nếu có cũng chưa thật sự để lại ấn tượng với các em nhỏ. Vì thế, làm thế nào để có kịch bản hay, chất lượng và thường xuyên biểu diễn phục vụ các em nhỏ là một trăn trở nhưng cũng đồng thời là một việc làm cần thiết đối với các nhà hát, nghệ sĩ sân khấu ở nước ta.