Sách có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Công cụ này giúp nền văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật phát triển. Một trong những việc làm giúp cuốn sách được coi trọng chính là việc mở các sự kiện về sách, trong đó có triển lãm, hội chợ... Không chỉ giúp chấn chỉnh hoạt động xuất bản, những sự kiện này còn mở rộng thị trường để xã hội đánh giá đúng vai trò của sách cũng như vai trò của hoạt động xuất bản.
Những sáng tạo tích cực
Hoạt động triển lãm, hội chợ sách diễn ra liên tục từ đầu năm 2015, tác động không nhỏ đến thói quen mua và xem sách của phụ huynh và các cháu thiếu nhi. Đặc biệt, khi đến với hội chợ sách, thiếu nhi được tham gia rất nhiều chương trình và trò chơi hấp dẫn. Phụ huynh cũng có cơ hội cùng các con trải qua những giờ phút thật vui vẻ, đồng thời thu lượm cho mình những kỹ năng bổ ích để nuôi dạy trẻ phát triển ngày một tốt hơn.

Tháng 9 năm nay, Triển lãm Hội chợ Sách Quốc tế - Việt Nam đã diễn ra thành công, hơn 3.000 xuất bản phẩm được trưng bày theo chủ đề “Việt Nam phát triển và hội nhập” nhằm giới thiệu thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới. Hơn 200 gian hàng của trên 100 đơn vị xuất bản, phát hành trong nước tham gia với hàng chục hoạt động hấp dẫn. Các nhà xuất bản sách trong nước cũng đã có nhiều chương trình ưu đãi giảm giá giúp bạn đọc có thể tiếp cận dễ dàng hơn với những cuốn sách yêu thích.
Hoạt động triển lãm tại thị trường sách khu vực TP. HCM cũng rất sôi nổi. Tiêu biểu gần đây phải kể đến Ngày sách diễn ra tại đường Nguyễn Văn Bình và một phần khuôn viên Bưu điện thành phố. Tại đây, một số nhà xuất bản đã tổ chức loạt chương trình giao lưu tác giả và bạn đọc. Nhiều hội chợ - triển lãm sách còn mời cả các ca sĩ trẻ về “khai màn” sự kiện. Nhờ có âm nhạc, hội chợ - triển lãm sách dễ dàng thu hút sự quan tâm của công chúng.
Tuy nhiên...
Vẫn biết rằng để bán được sách, nhiều khi các nhà xuất bản phải nghĩ ra những “cách riêng để” thu hút sự chú ý của độc giả. Việc mời các nhân vật nổi tiếng tham gia sự kiện quảng bá sách cũng dễ hiểu, nhưng thiết nghĩ cái gì cũng có giới hạn của nó. Ví dụ điển hình cho hình thức PR sách phản cảm có lẽ phải kể đến sự kiện “nữ hoàng nội y” - người mẫu N.T. xuất hiện và tham gia tranh luận trong một buổi ra mắt sách gần đây của tác giả H.A.T. Tuy nhiên, đến phút chót, khán giả mới nhận ra đây chỉ là chiêu cố tình giật tựa sách gây sốc, mượn tên tuổi nổi tiếng kể cả nổi tiếng nhờ “tai tiếng”... để tạo sự chú ý. Không thể phủ nhận, những chiêu này gây được sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng. Buổi ra mắt sách vì thế mà cầu kỳ, hào nhoáng hơn. Nhưng cuối cùng, nhân vật đóng vai “vơ-đét” - theo như thông tin từ ban tổ chức thì mãi không chịu... xuất hiện. Chờ đợi quá lâu, số đông nản quá đành... bỏ về!
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với người làm sách, sách bán được lâu dài mới quan trọng, chạy theo lợi nhuận tức thời không phải là cái đích mà những người làm sách hướng tới. Điều quan trọng là hành động PR của họ có phù hợp và thuyết phục được độc giả mua sách hay không. Thiết nghĩ, tùy vào thể loại, nội dung và đối tượng độc giả hướng tới mà người trong cuộc cần chuẩn bị những kế hoạch PR phù hợp. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà để sản phẩm chứa đựng văn hóa, tri thức bị công chúng “hiểu nhầm”!
Hưng Vũ