Khuynh hướng “cách tân” trong thơ trẻ đương đại

26-03-2012 10:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đã có không ít nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình luôn đề cập một cách thường trực và riết ráo về thơ trẻ hiện nay trong dòng chảy văn chương Việt đương đại với tâm điểm là khuynh hướng “cách tân”.

Đã có không ít nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình luôn đề cập một cách thường trực và riết ráo về thơ trẻ hiện nay trong dòng chảy văn chương Việt đương đại với tâm điểm là khuynh hướng “cách tân”. Đây thực sự có là vấn đề đáng được quan tâm như nhiều người tưởng?

Có hay không cái gọi là “thơ cách tân”?

Trước hết phải nói, “thơ cách tân” là thuật ngữ dùng để chỉ về những tác phẩm thơ Việt được viết ra trong quãng hơn hai chục năm trở lại đây, có hình thức thể hiện khác so với một số tác phẩm thơ trước đây thuộc dòng thơ truyền thống mà không ít người cho đó là thứ “thơ thủ cựu”.

Thế nhưng, xét về mặt ngữ nghĩa thì thuật ngữ “thơ cách tân” chỉ được xác định nghĩa trong tương quan với “thơ thủ cựu”. Vì thực tế đời sống thơ ca mấy chục năm trở lại đây không hề xảy ra chuyện “thơ truyền thống” thì không đổi mới theo hướng cách tân. Có chăng chỉ là sự đối lập giữa “thơ cách tân” được viết ra khác với “thơ thủ cựu” đã từng tồn tại trên văn đàn thơ Việt hàng chục, hàng trăm năm, chí ít là ở phương diện hình thức thể hiện.

Có một thực tế khác là các nhà lý luận, phê bình văn học, cũng như chính các nhà thơ chưa đưa ra được một định nghĩa xác tín cho cái gọi là “thơ thủ cựu”. Ngay cả Từ điển tiếng Việt cũng không hề có mục giải thích nghĩa cho cụm từ này.

Chẳng hạn như khi đọc hai bài thơ sau: “Lá đào rơi rắc lối Thiên thai/ Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi/ Nửa năm tiên cảnh/ Một bước trần ai/ Ước cũ duyên thừa có thế thôi... (Tản Đà - Tống biệt) chẳng ai có thể nói một cách chắc chắn rằng đây là những bài thơ, câu thơ thuộc loại nào: “thủ cựu”, “cũ”, “mới” hay “cách tân”, nhưng lại không một ai không thừa nhận những câu thơ, bài thơ trên là hay, thậm chí còn rất hay.

Một khi không xác định được nội hàm và ngoại diên của thuật ngữ/khái niệm “thơ thủ cựu”, cái tối quan trọng làm đối sánh để tìm ra nghĩa của thuật ngữ đối lập với nó là “thơ cách tân”, thì sẽ không bao giờ tìm ra được nghĩa của thuật ngữ “thơ cách tân”. Vậy là, “thơ cách tân” chỉ là một thứ ngôn ngữ nói hơn là một thuật ngữ/khái niệm khoa học có thể xác định được ngoại diên và nội hàm của nó. Thuật ngữ “thơ cách tân” chỉ là một cụm từ hết sức mơ hồ, chất ảo nhiều hơn chất thực.
 
Cũng vì thế các cuộc bàn luận về nó đều không có cơ sở khoa học lẫn thực tiễn và những vấn đề xung quanh nó, thực chất đều là ngụy tạo. Tính chất giả chân thực của thuật ngữ/ khái niệm “thơ cách tân” chính là ở chỗ nó không được dùng để định danh cho một thuộc tính, một trào lưu hay giai đoạn nào của thi ca Việt. Vì thế, theo tôi, sẽ không bao giờ có cái gọi là “thơ cách tân” hay “thơ thủ cựu”, “thơ cũ” hay “thơ mới”, cũng như không có “thơ địa phương” hay “thơ trung ương”,... mà chỉ có “thơ hay” và “thơ không hay” thôi.

Sau này nội dung của khái niệm “Thơ mới” được nới rộng ra để chỉ những người đi sau đồng thuận với quan niệm thẩm mỹ của chủ nghĩa tượng trưng Pháp trong việc triển khai nó vào các sáng tác thơ của mình, dù là vô tình hay cố ý.       

 ... Và nhu cầu cách tân thơ

Không chỉ có thơ ca, mà trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa, nhu cầu đổi mới bao giờ cũng nằm trong bản chất vận động của cuộc sống, chứ không phải là ý muốn chủ quan của một người hay một nhóm người nào đấy. Cách tân hay đổi mới thơ không phải là câu chuyện mới mẻ gì, mà đã có tự ngàn đời nay, cũ xưa như trái đất. Chỉ có điều vài chục năm trở lại đây, với vòng quay chóng mặt của cuộc sống hiện đại, nhiều người cảm thấy nhu cầu làm mới thơ ca gấp gáp và riết róng hơn, khiến một số người lạc quan nghĩ rằng dường như sắp nổ ra một cuộc “cách mạng” trong thi ca giống như phong trào “Thơ mới” cách đây hai phần ba thế kỷ.

Xin thưa, điều ấy rất ít có khả năng, nếu không muốn nói là không thể xảy ra, vì lịch sử không bao giờ lặp lại chính mình, tương tự như cách nói của Trang Tử là không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Dòng sông cuộc đời luôn cuộn chảy về phía trước, ngày càng chảy nhanh, chảy mạnh hơn. Nhà thơ muốn tắm được trên dòng sông cuộc đời ấy không thể mãi ngồi yên một chỗ tỉa tót, nhâm nhi những gì của cha ông để lại, hay bằng lòng với những cái mình đã có, mà anh ta cần phải vượt thoát ra khỏi chính mình. Quá trình vượt thoát ấy trong thơ ca chính là sự đổi mới. Đổi mới thơ là quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ, nếu anh ta không muốn lẽo đẽo đi theo sau lịch sử.

Tôi có thể khẳng định rằng không có bất cứ nhà thơ nào lại làm ra hai bài thơ hoàn toàn giống nhau. Cái sự “không giống nhau” ấy ở mỗi nhà thơ đã tự nó bao hàm quá trình đổi mới một phần hay toàn phần trong sáng tạo nghệ thuật rồi. Còn hiện tượng có những bài thơ của người nọ na ná giống người kia, có thể đấy là sự vô tình bị “lây nhiễm” về ý tưởng, giọng điệu, ngôn ngữ thể hiện,... ngoại trừ một vài người cố tình sao chép, điều đó không bàn đến ở đây.

Hai đoạn thơ sau là minh chứng sinh động cho điều đó: “... Sau mỗi trận thắng/ Ngồi bên suối đánh cờ/ Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt/ Người vá áo thiếu kim mài sắt/ Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu/ Suối mang/bóng người/ Trôi những về đâu...” (Hữu Loan - Đèo Cả) và một đoạn khác: “... Nỗi cô đơn cười hả hê viên mãn/ Những thói quen yêu thương cựa quậy/ Nhói/Buốt/ Nụ hôn anh rất gần/ Bờ môi anh quá xa/ Mộng ảo trượt ngã sau tấm rèm buông ngược gió/.../ Sáng nay vòm trời cong cong như niềm nhớ/ Bầy lá khô xoắn xuýt gót lạnh mềm/ Ly cà phê uống dở/ Bản tình ca bỏ ngỏ/ Tôi buồn như cỏ/...” (Võ Thị Phương Thúy - Buồn như cỏ).

Nếu không ghi tên tác giả và tên bài thơ, nhiều người sẽ không thể nhận ra bài thơ nào viết trước, bài thơ nào sau và chúng cách nhau bao lâu. Đối với nhà thơ Hữu Loan và bài thơ Đèo Cả chắc chắn không ít người nhận ra vì ông đã quá nổi tiếng. Còn với đoạn thơ thứ hai của Võ Thị Phương Thúy, hẳn là nhiều người chưa biết. Bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan được viết vào năm 1946, bài thơ Buồn như cỏ của Võ Thị Phương Thúy được viết vào ngày 7/1/2012, hai bài thơ cách nhau chừng 66 năm.

Rõ ràng đây là hai đoạn trong hai bài thơ hay thuộc thế hệ ông và cháu, nhưng chúng đều mang đậm tính chất cách tân. Vậy hà cớ gì mãi đến vài năm gần đây, nhiều người cứ phải hô hoán lên nào là “thơ cách tân”, rồi “cách tân thơ”, “đổi mới thơ”,... Từ thuở lọt lòng bản thân thơ đã mang trong mình nhu cầu đổi mới, vì sự tồn tại của chính mình.

Xem ra càng hô hào chỉ càng làm rối rắm thêm diện mạo đời sống thơ ca mà thôi, phỏng có ích gì. Được một số người khen, một vài tờ báo lăng xê, các nhà thơ trẻ cứ thế mà bổ nhào lao bằng mọi giá để có được những bài “thơ cách tân”, trong khi họ lại chẳng ý thức được cách tân cái gì và cách tân như thế nào, đâu là giới hạn không thể vượt qua để thơ không biến thành kịch, văn xuôi hay nhật ký cá nhân chỉ ghi lại những điều lẻ tẻ, vụn vặt của đời sống riêng tư thường nhật. Để rồi, nhân danh “cách tân” nhiều người đã cho ra đời một thứ chẳng biết gọi là gì: văn nói, ghi chép, nhật ký,... chỉ biết rằng nó giống như món “óc sống” khiến công chúng không thể nào tiêu hóa nổi.

Huyền Vũ


Ý kiến của bạn