- Mau, đặt thằng bé lên đây.
Trên giường là một cậu bé 18 tuổi, bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não nặng. Cầm tấm phim CT trên tay, bác sĩ Hùng đắn đo. Nếu không mổ cầm máu, giải áp, cậu bé sẽ chết. Nếu mổ thì khoan cắt hộp sọ, với tổn thương nặng nề như vầy có lẽ nếu sống thì cũng ngớ ngớ ngẩn ngẩn và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, chưa nói đến tình huống nặng hơn cậu bé phải sống đời sống thực vật.
Các bác sĩ hồi sức luôn phải đối mặt với những quyết định đầy khó khăn.
- Dạ, cứ mổ đi bác sĩ, miễn sao con tôi được sống.
- Bà điên à? Có nghe bác sĩ giải thích không, nếu sống mà chẳng lành lặn vẹn nguyên thì người chịu đau khổ là vợ chồng mình đó.
- Tôi lạy ông, nó là con của mình mà.
Bác sĩ Hùng nhìn gia đình họ với ánh mắt của một vị lương y mà mình không thể tả bằng lời.
- Nếu họ đồng ý mổ, em cho kí tên và liên hệ phòng mổ dùm anh he.
Nếu bạn là cha mẹ của cậu bé, bạn sẽ quyết định thế nào? Nếu bạn là bác sĩ trực cấp cứu hay bác sĩ ngoại thần kinh chuyên về chấn thương sọ não, bạn sẽ quyết định thế nào?
Trong cuộc đời khó mà phân định rạch ròi giữa đúng và sai, nên hay không nên, đáng hay không đáng. Có nhiều khi chúng ta cứ để mặc cho cuộc sống đẩy đi và trở thành một người trôi dạt. Cũng lâu rồi, nhưng có lẽ các bạn còn nhớ về những thảo luận xoay quanh vấn đề: Khi người cha người mẹ biết đứa trẻ mà họ đang mang trong lòng bị dị tật bẩm sinh, phá bỏ thai hay giữ lại? Người đề nghị phá bỏ đã nghĩ rằng khi sinh ra đứa trẻ tật nguyền sẽ là gánh nặng khủng khiếp lên gia đình, lên xã hội. Người đề nghị giữ lại thì bảo đó là ân sủng của Thượng đế, chẳng ai đến thế gian này một cách tình cờ cả, dù đẹp hay xấu, bình thường hay bất thường cũng là con của mình. Người đề nghị phá bỏ công kích người đề nghị giữ lại là sống không có lí trí, mù quáng. Và ngược lại, người đề nghị giữ lại thì nói: Những người đòi giết con mình là những người sống trong sợ hãi, sợ hãi gánh vác, sợ hãi trách nhiệm, sợ hãi dư luận... Cả đời sợ hãi.
- Nhưng giữ lại là gây hại, biết chưa? - Hại gì? Hại cho ai? Cho bản thân nó, cho gia đình, cho xã hội...? Một đứa bé bị thiểu năng tâm thần và thể chất thì có thể gây hại gì? Hại túi tiền ba mẹ nó? Hại bác sĩ phải điều trị? Hay hại cho nền văn ninh an toàn do chúng ta đặt ra? Liệu những người phát triển đầy đủ thể chất và tâm thần có thể gây hại không? Hay cái hại của họ còn đáng sợ hơn tất cả. Đứa bé không hề có đau khổ, chính sự kì thị, chính cái nhìn khắc nghiệt và sợ bị hại... của chúng ta đã làm đứa bé đau khổ!
Quay trở lại câu chuyện cậu bé bị tai nạn giao thông hôm trước. Sáng nay nó đã được chuyển từ phòng hồi sức hậu phẫu sang phòng thường để theo dõi. Nó tỉnh và nhận ra cha mẹ. Khi mình đi lướt qua phòng thấy họ đang ngồi thì thầm to nhỏ với nhau. Tự dưng mình thấy vui lây. Thật ra, trong cuộc sống này, không có biến cố nào mà con người không vượt qua được, quan trọng là ai trong chúng ta dám đối mặt, dám chấp nhận và dám sống theo trái tim. Lí trí thì có hàng triệu lí do để nói đúng sai. Nhưng trái tim chỉ làm theo yêu thương. Khi con người sống trong yêu thương là khi con người có sức mạnh vô song. Lựa chọn điều an toàn là tự giam trái tim mình lại. Mình từng biết có rất nhiều người mẹ, chẳng những hy sinh cả đời vì con, bán máu nuôi con ăn học, làm thuê làm mướn chữa bệnh ung thư cho con... nhưng chưa bao giờ ngừng lại việc yêu thương con mình cả. Trái tim là để yêu thương chứ không phải để suy nghĩ thiệt hơn. Và mình còn hân hạnh được quen một người chị bị gù vẹo cột sống, mỗi khi mình và chị ấy đi trên đường ai cũng nhìn, có kẻ xót thương vì thấy đó là đau khổ, có kẻ khinh chê vì hình dáng ấy. Nhưng đẹp hay xấu, tốt hay không... mỗi thứ đều hoàn hảo theo cách của chúng và theo tâm của người nhìn nữa. Nếu tâm bạn đầy trong sáng, đầy yêu thương nhìn đâu cũng thấy hạnh phúc, ánh sáng và bình yên. Nếu tâm bạn đầy hoài nghi, đố kị, giả dối thì làm sao thấy vẻ đẹp nơi người khác và làm sao thấy được điều may mắn trong cuộc sống. Những người bị khuyết tật thân thể không sợ bằng những người bị khuyết tật tâm hồn, bạn nhỉ?