Những năm gần đây tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng làm cho khuyết sẹo mổ lấy thai trở thành vấn đề phổ biến trong sản phụ khoa. Khuyết sẹo mổ lấy thai có thể xuất hiện ở 12,7 – 48% phụ nữ sau mổ lấy thai. Số lần mổ lấy thai càng tăng thì tỷ lệ bị khuyết sẹo mổ lấy thai càng lớn.
Tại Hội nghị Sản phụ khoa toàn quốc 2022 vừa diễn ra, GS. Nguyễn Viết Tiến - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có những chia sẻ về khuyết sẹo mổ lấy thai và phương pháp mổ nội soi điều trị vô sinh do khuyết sẹo mổ lấy thai gây ra.
Khuyết sẹo mổ lấy thai là gì?
Theo GS Nguyễn Viết Tiến, khuyết sẹo mổ lấy thai hay thường gọi là khuyết sẹo do vết mổ đẻ cũ, là sự mất liên tục của thành trước tử cung tạo thành hốc tại vị trí vết mổ lấy thai cũ, lần đầu tiên được mô tả chi tiết năm 1995 bởi bà H.Morris. Tần suất của khuyết sẹo mổ lấy thai thay đổi từ 19-84% tùy nghiên cứu và có xu hướng ngày càng tăng.
Khuyết sẹo mổ lấy thai là bệnh rất hay gặp. Khuyết sẹo mổ lấy thai gây ra hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: vô sinh thứ phát, viêm nhiễm, rau cài răng lược….
Nguyên nhân gây khuyết sẹo mổ lấy thai
Hiện tại chưa có nguyên nhân rõ ràng dẫn đến khuyết sẹo mổ lấy thai. Tuy nhiên, một số các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến khuyết sẹo mổ lấy thai như:
- Quá trình chuyển dạ có vết mổ thấp, gần cổ tử cung
- Mổ khi cổ tử cung > 5cm
- Chuyển dạ kéo dài trên 5 giờ
Triệu chứng khuyết sẹo mổ lấy thai
Khi có những triệu chứng dưới đây, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời khuyết sẹo mổ lấy thai.
- Xuất huyết âm đạo bất thường: Không phải trong kỳ kinh nguyệt nhưng âm đạo có tình trạng ra huyết.
- Kinh nguyệt kéo dài hay còn gọi là rong kinh, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày. Ra máu dai dẳng (sẫm màu), máu ra màu đỏ thẫm, màu đen hoặc nhầy nâu.
- Đau vùng chậu mạn, đau khi quan hệ. Có tới 40% người bệnh gặp tình trạng này. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do tình trạng co kéo, do lạc nội mạc tử cung tại vị trí sẹo mổ lấy thai.
- Thống kinh: Khi cổ tử cung co bóp để đẩy máu ra ngoài khiến chị em gặp phải tình trạng tức phần bụng dưới, mệt mỏi, đau… trong thời gian hành kinh.
- Vô sinh thứ phát
- Thất bại chuyển phôi nhiều lần
Chẩn đoán khuyết sẹo mổ lấy thai
Có rất nhiều cách để chẩn đoán khuyết sẹo mổ lấy thai như:
- Siêu âm đường âm đạo thấy hình ảnh giảm âm hoặc trống âm (Có dạng tam giác, đỉnh tam giác hướng về túi cùng tử cung bàng quang, nằm ở thành trước đoạn dưới tử cung). Kết hợp với đo bề dày phân cơ tử cung (đoạn khuyết sẹo mổ) còn lại
- Siêu âm bơm nước: Siêu âm bơm nước có thể đo kích thước vùng khuyết, khoảng cách vùng khuyết tới lỗ trong và ngoài cổ tử cung, đo bề dày cơ tử cung còn lại.
- Chụp tử cung vòi trứng
- Làm xét nghiệm MRI tuy nhiên hình thức này đắt tiền và không cần thiết
- Nội soi buồng tử cung: Quan sát thấy khoang mở ở thành trước vùng eo tử cung. Tỷ lệ phát hiện khuyết sẹo mổ lấy thai của cách này lên tới 100%.
Điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai
Khuyết sẹo mổ lấy thai gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh đặc biệt là vấn đề vô sinh thứ phát. Khuyết sẹo mổ lấy thai gây tình trạng viêm khu trú tại vùng khuyết, gây thất bại quá trình làm tổ khi làm IVF. Việc xử lý khuyết sẹo mổ lấy thai giúp cải thiện đường chuyển phôi, cải thiện môi trường "cytokinique", tăng khả năng thụ thai.
Phương pháp mổ nội soi khuyết sẹo mổ lấy thai là một trong những phương pháp gần đây được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong trường hợp phần cơ còn lại > 2,5mm có thể áp dụng phương pháp nội soi buồng tử cung và cắt bờ dưới của sẹo khuyết vết mổ để tạo mặt phẳng loại bỏ ổ đọng dịch. Với phương pháp nội soi buồng tử cung và cắt bờ dưới của sẹo khuyết có tỷ lệ phần trăm thành công cao, trong đó: 80% cải thiện hoàn toàn triệu chứng; 7% có cải thiện; 13% không thay đổi và chỉ 0,75% có tỷ lệ tai biến.
Phương pháp nội soi ổ bụng cắt bỏ sẹo mổ cũ sẽ bao gồm các bước: Bóc tách bộc lộ vùng khuyết sẹo; Cắt loại bỏ sẹo; Khâu phục hồi.
Điều trị phẫu thuật nội soi được đánh giá là phương pháp ưu việt bởi thời gian phẫu thuật từ 45 phút – 2 tiếng (phụ thuộc vào từng bệnh nhân), hiệu quả cao.