Khuyết sẹo mổ lấy thai có nhất thiết phải mổ?

21-02-2024 20:53 | Bệnh phụ nữ
google news

SKĐS - Những năm gần đây tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng làm cho khuyết sẹo mổ lấy thai trở thành vấn đề phổ biến trong sản phụ khoa. Khuyết sẹo mổ lấy thai có thể xuất hiện ở 12,7 – 48% phụ nữ sau mổ lấy thai. Số lần mổ lấy thai càng tăng thì tỷ lệ bị khuyết sẹo mổ lấy thai càng lớn.

BSCK II Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có những chia sẻ về khuyết sẹo mổ lấy thai và phương pháp can thiệp nội khoa, nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ và hạnh phúc gia đình mà chưa cần phải sử dụng đến kỹ thuật mổ.

1. Khuyết sẹo mổ lấy thai - "Hốc" nhỏ, hệ lụy lớn

Khuyết sẹo mổ lấy thai hay thường gọi là khuyết sẹo do vết mổ đẻ cũ, là sự mất liên tục của thành trước tử cung tạo thành hốc tại vị trí vết mổ lấy thai cũ, lần đầu tiên được mô tả chi tiết năm 1995 bởi bà H.Morris. Tần suất của khuyết sẹo mổ lấy thai thay đổi từ 19-84% tùy nghiên cứu và có xu hướng ngày càng tăng.

Khuyết sẹo mổ lấy thai là bệnh rất hay gặp, gây ra hậu quả ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hệ lụy đầu tiên mà người phụ nữ phải chứng kiến và luôn chịu ảnh hưởng là rối loạn kinh nguyệt. Một chu kỳ kinh kéo dài hoặc tình trạng rong kinh đều có thể gây ra bởi nguyên nhân từ vết sẹo mổ cũ.

Thứ hai là viêm nhiễm. Hốc tại vết mổ lấy thai thường bị đọng máu. Máu kinh lại là môi trường tốt cho viêm nhiễm phát triển. Do đó rất nhiều người phụ nữ có khuyết sẹo do vết mổ đẻ cũ thường bị tình trạng viêm kinh niên. Cứ hai, ba tháng lại lặp lại tình trạng viêm một lần.

Và vấn đề thứ ba là các cơn đau. Khi có khuyết sẹo mổ lấy thai người phụ nữ có thể đau trong hoặc ngoài chu kì kinh, đau bất kể lúc nào. Đặc biệt là đau khi quan hệ vợ chồng. Tỉ lệ này chiếm khoảng 40%. Có nghĩa cứ hai người thì có một người có khuyết sẹo mổ lấy thai thường bị tình trạng đau quặn tại chính vết sẹo mổ đó.

Và hậu quả thứ 4 là vô sinh thứ phát.

Cả 4 hậu quả gây ra bởi khuyết sẹo mổ lấy thai đều là những thứ gây phiền phức cho người phụ nữ sau mổ đẻ và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống cũng như hạnh phúc lứa đôi.

Khuyết sẹo mổ lấy thai có nhất thiết phải mổ?- Ảnh 1.

Hình ảnh khuyết sẹo mổ lấy thai.

2. Các biện pháp can thiệp xử lý khuyết sẹo mổ lấy thai

"Khoa học hiện đại ngày nay có 2 phương án khắc phục: Can thiệp nội khoa qua việc sử dụng thuốc và can thiệp ngoại khoa bằng kỹ thuật mổ" - bác sĩ Tuấn cho biết.

2.1 Mổ chủ động khuyết sẹo mổ lấy thai - Cản trở từ tâm lý

Với kỹ thuật mổ, từ kinh nghiệm thực tiễn bác sĩ Tuấn nhận định biện pháp này gây những rào cản về tâm lý cho không ít chị em. Câu chuyện khi người phụ nữ mang thai và nghĩ đến chuyện mổ đẻ thì diễn biến tâm lý rất đơn giản, họ dễ dàng chấp nhận vì lúc đó chỉ nghĩ đến em bé. Nhưng khi đang yên đang lành mà "đè" ra mổ một vết sẹo sâu bên trong, thì đây là một rào cản tâm lý cực kỳ lớn. Chị em rất ngại việc tự nhiên đi mổ. Mổ chủ động vì thế thường bị bỏ qua. Từ đó kéo theo việc người phụ nữ sống "cam chịu" cùng bệnh.

Với những người không muốn có các hệ quả của khuyết sẹo do vết mổ đẻ cũ gây ra thì phần đông lựa chọn mổ bởi họ mong muốn xử lý được triệt để vấn đề. Tuy nhiên kết quả của việc mổ cũng không phải là tuyệt đối, chỉ đạt khoảng 60-65% thành công. Đồng nghĩa với việc, vết sẹo mổ này sau đó lại tái phát. Biết được điều này, nhiều chị em cũng không sẵn sàng với phương án mổ chủ động và họ tiếp tục chịu đựng vết mổ với những hệ lụy nêu trên.

2.2 Can thiệp nội khoa - Cách hiệu quả nâng cao chất lượng sống

Vậy phương pháp nào cải thiện giúp chị em? Thực tế có phương pháp can thiệp nội khoa mà chưa cần đến việc phải mổ nhưng lại ít người nghĩ tới. "Người ta cứ chăm chăm vào việc đi mổ. Tất cả các thông tin trên mạng bây giờ đều đề cập đến việc mổ mà không nói gì về điều trị nội khoa. Vấn đề ở đây là cần thay đổi về cách tiếp cận" - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, sở dĩ phần đông không nghĩ đến điều trị nội khoa là vì điều trị nội khoa thì dai dẳng và cũng chỉ là bước đệm là điều trị những triệu chứng thôi chứ không giải quyết triệt để. Cho nên cả các bác sĩ hay chính người bệnh đều không đặt nhiều vấn đề về điều trị nội khoa. Vấn đề chính là ở đó: Họ chỉ đặt vấn đề triệt để bệnh hay không mà không đặt vấn đề nên nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một người bị khuyết sẹo do vết mổ đẻ cũ gây ra bị đau hay rong kinh, viêm nhiễm hành xử cũng giống như một người bị nhiễm virus gây sốt, đau người. Chất lượng cuộc sống rất bị ảnh hưởng nhưng họ sẽ chịu đựng chờ cơ thể phục hồi vì vẫn trong giới hạn "chịu được". Vậy có một phương án tốt hơn, không cần phải mổ, mà giải quyết được tình trạng rong kinh, đau quặn, viêm nhiễm... tại sao không điều trị?

Ngoài ra, khi đã điều trị được triệu chứng thì khả năng thụ thai cũng được nâng lên. Vì thế, ở một khía cạnh nào đó điều trị nội khoa còn hỗ trợ cho điều trị ngoại khoa, giúp vợ chồng có thể có con mà chưa cần phải can thiệp mổ khuyết sẹo do vết mổ đẻ cũ. Ví dụ bị viêm thì điều trị cho đỡ viêm đi để cuộc mổ sẽ thành công hơn.

"Đối với người phụ nữ sau mổ mà có khuyết thì chúng tôi muốn khuyến cáo nên nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách điều trị nội khoa khuyết sẹo mổ cũ, giải quyết những triệu chứng. Từ đó giúp nâng cao chất lượng sống và đồng thời có thể giúp giải quyết những mục tiêu chính, thí dụ vô sinh hiếm muộn" - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Khuyết sẹo mổ lấy thai có nhất thiết phải mổ?- Ảnh 2.

Một ca thai bám sẹo mổ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Điều trị nội khoa có 2 giá trị. Giá trị đầu tiên chính là nâng cao chất lượng cuộc sống bằng cách giảm thiểu tối đa hệ quả, hậu quả của vết sẹo. Thứ 2 là chuẩn bị tâm thế cho người phụ nữ nếu cần đi vào phẫu thuật sẽ tốt hơn. Và thực tế lâm sàng cho thấy, có nhiều trường hợp sau khi điều trị nội khoa xong nhiều chị em đã có thể có bầu được luôn, như thế sẽ tránh được cả một cuộc phẫu thuật.

"Như vậy, về lâu dài, phương án điều trị nội khoa cũng giúp chúng ta hỗ trợ, tiếp cận và chờ đợi những phương án khác nếu như tới đây có những phương pháp tốt hơn thì chúng ta vẫn giữ được vết sẹo đó ở tình trạng tốt nhất có thể để chúng ta đi tiếp vào những câu chuyện khác. Tôi nghĩ nên đánh giá lại, tiếp cận lại, nhìn nhận lại vết sẹo mổ cũ ở một góc nhìn khác - góc nhìn nâng cao chất lượng cuộc sống, chứ không phải chỉ chịu đựng hoặc chỉ nghĩ đến phương án mổ" - bác sĩ Tuấn khẳng định.

3. Nâng cao chất lượng sống từ lắng nghe cơ thể cùng chuyên gia

Chuyên gia sản khoa khuyến cáo, phụ nữ sau đẻ mổ nên đi khám kỹ để bác sĩ cá thể hóa tình trạng về vết sẹo. Đặc biệt trong vòng 2 năm sau khi mổ, hoặc bất cứ khi nào chị em thấy các dấu hiệu bất thường kể trên. Có những người chỉ khi thấy lâu có con kế tiếp mới bắt đầu quan tâm tới khuyết sẹo mổ cũ. Khi ấy, họ sẽ phải mất thêm thời gian để xử lý khuyết sẹo mổ đó. Vì vậy, với phụ nữ đẻ mổ nên đặc biệt quan tâm tới điều này.

Quá trình cá thể hóa của người bệnh sẽ giúp các bác sĩ đưa ra được đánh giá cụ thể vết sẹo, từ đó có được liệu trình điều trị nội khoa hiệu quả nhất, phù hợp nhất đối với mỗi cá thể. Bởi có người sẹo to, khuyết lớn, có người khuyết nhỏ, người kèm theo các bệnh khác… Cá thể hóa điều trị bằng cách phải khám kỹ. Từ sự lắng nghe tín hiệu cơ thể của người bệnh, kết hợp với chuyên môn của bác sĩ, sẽ đưa ra được lộ trình hiệu quả nhất.

"Và rồi người bệnh sẽ thấy rằng tất cả những thứ mà họ phải cam chịu trước đây đã giảm xuống rất nhiều, đỡ đi nhiều và cuộc sống trở nên dễ chịu hơn bằng can thiệp nội khoa" - bác sĩ Tuấn khẳng định.

Cảnh báo không nên mổ lấy thai khi chưa có cơn chuyển dạCảnh báo không nên mổ lấy thai khi chưa có cơn chuyển dạ

SKĐS - Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi TW cho biết vừa tiếp nhận một số trẻ sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng.


Hán Thanh Loan
Ý kiến của bạn