Khuyến nghị về việc phòng tránh và sử dụng vaccine chống bệnh than

15-01-2023 13:30 | Y học 360

SKĐS - Tuy không phải loại bệnh phổ biến và hay thường gặp tại Việt Nam, nhưng theo các chuyên gia y tế, mầm bệnh than vẫn có thể tồn tại gây nguy hiểm cho con người.

Khuyến nghị về việc phòng tránh và sử dụng vaccine chống bệnh than - Ảnh 1.

Tuy hiếm gặp, nhưng tỷ lệ tử vong ở thể bệnh than rất cao, lên đến 90%


Chính vì vậy, việc định nghĩa bệnh than và trang bị kiến thức về bệnh để có các biện pháp phòng ngừa từ sớm luôn là điều hết sức cần thiết.

Thuộc nhóm các loại bệnh truyền nhiễm

Bệnh than hay còn có tên gọi khác là bệnh nhiệt than thuộc nhóm các loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi loại vi khuẩn gram dương, hình que Bacillus anthracis (vi khuẩn than). Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong điều kiện tự nhiên trong đất hoặc ký sinh trên các loại động vật nuôi hoặc động vật hoang dã. Vi khuẩn than cũng gây bệnh trên động vật, thường tập trung vào nhóm các gia súc thực vật như trâu, bò, lợn, cừu, dê…; và gia súc nhiễm bệnh than đa phần sẽ chết. 

Con người hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh một cách chủ quan qua con đường tiếp xúc từ các vết thương trên da, hít phải bào tử vi khuẩn bệnh trong không khí, tiêu thụ những thịt động vật có chứa mầm bệnh… Tùy theo môi trường truyền bệnh than vào cơ thể con người sẽ có những triệu chứng và mức độ nặng, nhẹ của bệnh sẽ khác nhau. Bệnh than có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người nhưng tỷ lệ này rất hiếm. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết: "Bệnh than tuy hiếm gặp nhưng thường xảy ra đối với những người có liên quan đến công việc chăn nuôi và giết mổ thịt động vật, nhân viên thú y, công nhân chế biến da, lông thú… 

Bệnh than lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc với xác động vật chết do mắc bệnh than. Con người mắc bệnh hoàn toàn chủ quan do việc hít phải bào tử vi khuẩn than, ăn thịt động vật bị nhiễm khuẩn than dẫn đến mắc bệnh. 

Trực khuẩn tạo bào tử và bào tử Bacillus anthracis tồn tại rất bền vững bất chấp môi trường khắc nghiệt bên ngoài. Các cơ quan y tế đã làm xét nghiệm để thấy trực khuẩn than, bào tử than có thể tồn tại và sống sót trong đất nhiều năm". 

Cảnh báo bệnh than xuất hiện

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức nhận định: "Bệnh than tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng do vi khuẩn hình thành bào tử Bacillus anthracis gây ra. Bệnh than gặp ở cả người lẫn động vật. Bệnh trước đay được định nghĩa bằng thuật ngữ Anthrax - bệnh than, tiếng Anh là Carbuncle - được định nghĩa là cụm nhọt do nhiều nhọt nhỏ do viêm lỗ chân lông tập trung thành đám tạo nên, quá trình của bệnh dẫn đến hoại tử phần mềm tổ chức dưới da. Theo tiến trình lịch sử, bệnh than đã gây tử vong hàng nghìn người và động vật, nhưng đến nay chỉ còn vài nghìn người mắc bệnh trên toàn thế giới mỗi năm".

Thực tế, thời gian ủ bệnh than thường kéo dài từ 1 đến 5 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như sốt cao kèm ớn lạnh, tím tái, khó thở, ra mồ hôi đầm đìa, đau đầu... Giai đoạn tiếp theo, bệnh nhanh chóng chuyển sang nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm màng não, nhiễm độc toàn thân và khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái suy kiệt. Tuy hiếm gặp, nhưng tỷ lệ tử vong ở thể bệnh than rất cao, lên đến 90%. Trong trường hợp phát hiện sớm, được điều trị tích cực, chỉ có khoảng 55% bệnh nhân khỏi bệnh.

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (US CDC) khuyến nghị nên tiến hành tiêm phòng bệnh than cho ba nhóm người độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi; những người thuộc nhóm nghề nghiệp có nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn như nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với bệnh than, nhân viên xử lý động vật hoặc sản phẩm động vật, bác sĩ thú y chăm sóc động vật bị nhiễm bệnh, tiêm phòng sau phơi nhiễm… 

Đặc biệt, US CDC còn đưa ra một phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm kéo dài 60 ngày với kháng sinh thích hợp kết hợp với 3 liều vaccine bệnh than tiêm dưới da cho những người từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm phòng đã tiếp xúc với bào tử Bacillus anthracis dạng khí dung.

Những khuyến nghị cần biết khi sử dụng vaccine phòng bệnh

Để phòng, chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh như: không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; những người lao động thường xuyên tiếp xúc với gia súc phải trang bị ủng, găng tay, quần áo dài tay để phòng vệ; khi vùng da bị hở do vết thương, da bị tổn thưởng nên tránh tiếp xúc với gia súc; vệ sinh tay chân cơ thể bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia súc; khi thấy các biểu hiện nghi mắc bệnh than phải kịp thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.

Ngoài ra, hết sức lưu ý về việc sử dụng vaccine chủng ngừa bệnh than không nên dùng cho các đối tượng: Người từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ sau một liều trước đó hoặc với thành phần vaccine; phụ nữ mang thai có nguy cơ phơi nhiễm bệnh than thấp.

Vaccine chủng ngừa bệnh than có thể được chỉ định sử dụng, nếu nhà cung cấp vaccine cho rằng lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn các rủi ro, như sau:

- Người bị dị ứng với mủ cao su: Vì nút bịt kín của vaccine có chứa cao su tự nhiên khô, nên cần thận trọng khi sử dụng vaccine cho những người bị dị ứng với mủ cao su. Nên có sẵn dung dịch epinephrine (1:1000) để sử dụng ngay lập tức trong trường hợp một phản ứng phản vệ xảy ra.

- Người có tiền sử bệnh than: Tiền sử bệnh than có thể làm tăng khả năng phản ứng nghiêm trọng tại chỗ sau khi tiêm vaccine bệnh than.

- Người bị suy giảm đáp ứng miễn dịch: Bệnh nhân bị suy giảm đáp ứng miễn dịch có thể không có được miễn dịch đầy đủ sau khi tiêm vaccine bệnh than.

- Người bị bệnh cấp tính vừa hoặc nặng: Trong chương trình tiêm chủng trước phơi nhiễm tiêu chuẩn, việc tiêm chủng cho những người bị bệnh cấp tính vừa hoặc nặng nên được hoãn lại cho đến khi khỏi bệnh. Trong bối cảnh tiêm sau phơi nhiễm, cần cân nhắc lợi ích tiêm chủng khi xác định có tiêm hay không cho một người đã tiếp xúc với bệnh than nhưng bị bệnh cấp tính vừa hoặc nặng. Vaccine chủng ngừa bệnh than có thể được sử dụng cho những người bị bệnh nhẹ có hoặc không kèm theo sốt nhẹ.

Mời độc giả theo dõi video dưới đây:

Thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có khả năng không quá rét, chủ yếu lạnh về đêm


Hà Anh
Ý kiến của bạn