Hà Nội

Khuyến nghị mới của WHO về cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh

29-06-2020 12:55 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Kháng kháng sinh (AMR) là mối đe dọa sức khỏe cộng động trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân và sự phát triển tổng thể, bền vững của cả một quốc gia. Hệ lụy của AMR là các liệu pháp điều trị thông thường trở nên không hiệu quả. Nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến thời gian bị bệnh lâu hơn, chi phí điều trị cao hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Kháng kháng sinh là gì?

Kháng kháng sinh xảy ra khi các vi sinh vật (như vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng) tiếp xúc với thuốc kháng khuẩn (như kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc chống virus, thuốc chống sốt rét và thuốc chống giun sán). Các vi sinh vật chiến đấu để sinh tồn bằng cách đột biến hoặc thu nhận các gen bảo vệ từ các vi sinh vật khác. Khi các loại thuốc kháng khuẩn trở nên mạnh hơn và việc sử dụng chúng ngày càng lan rộng, sự sức đề kháng của vi sinh vật cũng mạnh hơn và lan rộng hơn. Điều này có thể tạo ra những chủng vi khuẩn không thể điều trị được, được gọi là siêu vi khuẩn.

AMR lây lan như thế nào?

Nhiều người nghĩ rằng AMR chủ yếu là do lạm dụng thuốc kháng khuẩn, nhưng các yếu tố môi trường đã đẩy mạnh sự lây lan của AMR thậm chí còn nhiều hơn so với việc sử dụng thuốc kháng khuẩn, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển có nguồn nước sạch hạn chế, vệ sinh kém và công tác quản lý chất thải còn thô sơ. Điều này khiến người dân phải tiếp xúc thường xuyên với phân (các tiếp xúc này đáng ra có thể tránh được), có thể chứa hàng triệu gen và vi khuẩn kháng thuốc, bao gồm cả những siêu vi khuẩn mà chúng ta không điều trị được. Nguồn nước ô nhiễm với các gen kháng thuốc, vi khuẩn và các hợp chất kháng khuẩn từ phân người và động vật cũng như các công đoạn sản xuất thuốc kháng khuẩn cũng là một môi trường lý tưởng cho các siêu vi khuẩn xuất hiện và lây lan.

Vì vậy, dù sử dụng ít thuốc kháng khuẩn hơn - ở người, động vật và thực vật – là một việc làm rất quan trọng để giảm sức đề kháng, chúng ta vẫn cần phải cải thiện vệ sinh, cung cấp nước và các biện pháp vệ sinh/tẩy trùng an toàn hơn, và xử lý nước thải tốt hơn trên quy mô toàn cầu. Bằng không, sự kháng kháng sinh sẽ tiếp tục tăng, có khả năng tạo ra đại dịch tiếp theo.

WHO ứng phó với AMR ra sao?

AMR đã đưa ra các biện pháp thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu về sức khỏe do WHO phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) phát triển. 5 mục tiêu của Kế hoạch hành động toàn cầu về AMR là:

1. Nâng cao nhận thức và hiểu biết qua việc tuyên truyền, giáo dục và đào tạo về AMR.

2. Củng cố kiến ​​thức và cơ sở bằng chứng thông qua các hoạt động giám sát và nghiên cứu.

3. Giảm tỷ lệ nhiễm trùng thông qua các biện pháp vệ sinh và chống nhiễm trùng hiệu quả.

4. Tối ưu hóa việc sử dụng thuốc kháng khuẩn cho con người và động vật.

5. Xây dựng các giải pháp đầu tư bền vững có lợi về mặt kinh tế và có tính đến nhu cầu của tất cả các quốc gia; tăng đầu tư vào thuốc mới, công cụ chẩn đoán, vắc-xin và các biện pháp can thiệp khác.

Do AMR được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, WHO kêu gọi các nước thành viên đưa ra các kế hoạch hành động quốc gia của riêng họ. Tuy nhiên, WHO nhận thấy rằng các hành động cải thiện và quản lý nước thải tiếp tục không được nhấn mạnh trong các kế hoạch này. Vì vậy, để khuyến khích thực hiện xử lý nước thải để giảm sự lây lan của AMR, WHO đã phát hành một bản tóm tắt kỹ thuật mới tóm tắt bằng chứng và lý do tại sao chúng ta cần thêm các hoạt động xử lí nước thải trong kế hoạch quốc gia và kế hoạch trong từng ngành nghề cụ thể.

Các khuyến nghị mới

Tóm tắt mới của WHO  bao gồm 6 mục, đi kèm với bằng chứng và các hành động cụ thể để tăng cường xử lí nước thải trong các kế hoạch quốc gia:

Phối hợp và lãnh đạo: Đảm bảo rằng việc quản lý nước thải được bao gồm trong các chính sách và kế hoạch AMR quốc gia và hỗ trợ thực hiện các hoạt động đa phương trên các lĩnh vực y tế, nước, vệ sinh, động vật, thực vật và công nghiệp.

Hộ gia đình và cộng đồng: Đảm bảo phổ cập việc tiếp cận các dịch vụ vệ sinh và nước an toàn; tăng xử lý nước thải và bùn thải và tái sử dụng an toàn.

Cơ sở chăm sóc sức khỏe: Đảm bảo phổ cập tiếp cận nguồn nước và các phương pháp vệ sinh an toàn, thực hành vệ sinh đúng cách và quản lý chất thải trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng.

Sản xuất thực phẩm: Cải thiện vệ sinh và quản lý nước thải và bùn thải trong sản xuất thực phẩm, và nếu có thể, giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng khuẩn và các chất bổ sung hóa học khác trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất thực vật.

Sản xuất thuốc kháng khuẩn: Giảm xả thuốc kháng khuẩn vào nguồn nước trong quá trình sản xuất thuốc kháng khuẩn bằng cách khuyến khích hợp tác giữa các khu vực công và tư nhân để tăng cường nỗ lực giảm ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Giám sát và nghiên cứu: Nâng cao kiến thức về quản lý nước thải và các nguyên nhân gây AMR liên quan đến nước thải bằng cách nâng cao nhận thức của các chính trị gia và quan chức y tế về tầm quan trọng của tất cả các hành động quản lý nước thải để chống lại AMR; tăng cường giám sát và xác định nguồn cũng như con đường vận chuyển gen kháng kháng sinh ở các địa điểm và khu vực khác nhau thông qua lăng kính One Health; và xem xét các chính sách và kế hoạch hiện có để xác định tính khả thi và hiệu quả về mặt chi phí của chúng để giải quyết các nguy cơ đang được ưu tiên.


Hà Phương
Ý kiến của bạn