Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng đường sắt

27-05-2025 15:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương cũng như các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt

Chiều 27/5, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm.

Dự thảo Luật khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt…, tập trung vào 5 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng đường sắt- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chiều 27/5.

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo Luật đã bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương cũng như các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trong đó, có quy định về việc khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...) và quy định khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.

Dự thảo Luật còn có quy định địa phương dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia…

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng đường sắt- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh.

Dự thảo Luật bổ sung quy định, với các tuyến đường sắt đô thị nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh được quyết định thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Việc bổ sung quy định này là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương. Quy định này góp phần hiện thực hóa Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về việc đẩy nhanh tiến trình đầu tư, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TPHCM vào năm 2035".

Trong dự thảo còn bổ sung quy định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt.

Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ và một số chính sách đặc thù cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt.

"Do đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, việc bổ sung quy định này sẽ đảm bảo thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp đi tiên phong yên tâm trong việc đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt trong nước; thể chế hóa chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.

Giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển bền vững

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Lê Quang Huy cho biết Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đường sắt.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, về đầu tư xây dựng công trình đường sắt và về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, một số ý kiến thống nhất với tờ trình của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng đường sắt- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Một số ý kiến khác đề nghị báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù quy định để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật.

Về phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực đường sắt, giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng.

Nghiên cứu bổ sung các quy định phát triển, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực đường sắt; quy định rõ về việc chuyển giao toàn bộ hay một phần công nghệ mang tính bắt buộc.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần có quy định về trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ đường sắt, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học.

Ngày 19/12 sẽ khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng tại 5 điểmNgày 19/12 sẽ khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng tại 5 điểm

SKĐS - Nhằm khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12 tới tại 5 điểm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng căn cứ mục tiêu này xây dựng đường găng tiến độ chi tiết.


Lê Bảo - Dương Tú
Ý kiến của bạn