Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, hiện nay bên cạnh xu hướng kết hôn muộn thì không muốn đẻ hoặc đẻ ít, đẻ thưa cũng xuất hiện ngày càng cao ở nơi mức sinh thấp.
Nguyên nhân do đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến xu hướng kết hôn và sinh con; hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập tại các khu công nghiệp, khu kinh tế...
Do đó, bên cạnh biện pháp khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi thì cần song song có những giải pháp hỗ trợ sau kết hôn như hỗ trợ mang thai, sinh con và nuôi con đối với các cặp vợ chồng... Các giải pháp này cần sớm triển khai, triển khai đồng bộ và quyết liệt.
Cũng theo bà Đặng Quỳnh Thư, trong Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" đề ra giải pháp là vận động, khuyến khích thanh niên không kết hôn muộn, kết hôn trước 30 tuổi tại vùng mức sinh thấp chứ không phải trên phạm vi toàn quốc.
Thực tế, xu hướng kết hôn muộn, thậm chí không muốn kết hôn xuất hiện ở những nơi có mức sinh thấp, nơi đô thị hóa tăng và điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Còn ở những nơi mức sinh còn cao, tuổi kết hôn trung bình lần đầu thấp hơn đáng kể so với vùng mức sinh thấp.
Năm 2006 là năm đầu tiên Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế sau hơn 3 thập kỷ thực hiện chính sách giảm sinh, đây là một trong những thành tựu đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời điểm đó, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khách quan và chủ quan có thể làm tăng mức sinh trở lại.
Đặc biệt, số sinh vẫn biến động tăng do đoàn hệ phụ nữ sinh ra trong những năm 1980-2000 (thế hệ 8X, 9X) có số lượng lớn, đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam (trên 2 triệu người) sẽ bước vào giai đoạn 20-29 tuổi, giai đoạn mắn đẻ nhất trong cuộc đời. Trong khi đó, xu hướng mức sinh giảm thấp ở các tỉnh khu vực phía Nam chưa thực sự rõ nét.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, kết hôn càng muộn, sinh đẻ càng muộn thì quỹ thời gian dành cho sự sinh sản và nuôi con nhỏ càng ngắn, tăng tỉ lệ khó có thể đẻ nhiều, chưa kể đến sức khỏe cũng giảm sút.
Càng cao tuổi thì người ta càng thành đạt; càng thành đạt người ta lại càng bận rộn càng không thể đẻ nhiều.
Các cuộc tổng điều tra dân số đều cho thấy, mức sinh giảm mạnh sau tuổi 30 hoặc 35. Chẳng hạn năm 2019, nếu tỷ suất sinh ở nhóm tuổi từ 25-29 là 130 phần nghìn thì nhóm tuổi 30-34 chỉ còn 84 phần nghìn (tức là giảm 36%). Nhóm tuổi 35-39 tỷ suất sinh chỉ có 39 phần nghìn (giảm 70%). Chính vì vậy, cần vận động kết hôn trước tuổi 30 và sinh đẻ trước tuổi 35.
Đối với các việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30, sinh con lần 2 trước tuổi 35 cũng như mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, bà Đặng Quỳnh Thư cho biết, được triển khai tại những nơi có mức sinh thấp thông qua các các mô hình can thiệp:
Một là, hỗ trợ để tạo môi trường nam, nữ thanh niên giao lưu, kết bạn, hẹn hò và tiến tới hôn nhân.
Hai là, xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ:thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình,...
Ba là, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con: sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con.
Bốn là, hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình;giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình...
Nhà nước từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
Trên cơ sở sơ kết, đánh giá các biện pháp thí điểm hỗ trợ để ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp.