Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu

14-09-2023 11:25 | Y học cổ truyền

SKĐS - Vấn đề bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Sơn La bước đầu đã được các cấp chính quyền và các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, từ đó góp phần hình thành nên các vùng chuyên nuôi trồng dược liệu, đời sống bà con cũng thay đổi từ đây.

Tỉnh Sơn La hiện có trên 1.000 loài cây dược liệu, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Thảo quả, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, sa nhân, actiso, ý dĩ, hồi, quế, gấc, đinh lăng, ba kích... tập trung nhiều nhất ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn. Vấn đề bảo tồn và phát triển cây dược liệu bước đầu đã được các cấp chính quyền và các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã dành riêng 250 tỷ đồng từ ngân sách tập trung phát triển 55 loài dược liệu quy mô lớn, giá trị kinh tế cao và bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây dược liệu dưới tán rừng.  Sơn La đã ban hành chủ trương triển khai nghiên cứu, khảo sát đầu tư cây dược liệu; phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua nhiều nghị quyết về ban hành các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu.

Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu - Ảnh 1.

Thành viên hợp tác xã Long Hiếu hái hoa cây cát sâm để làm trà (ảnh báo Sơn La)

Hiện nay, huyện Sốp Cộp có trên 60 ha cây quế, 16 ha cây sa nhân, 20 ha gừng, 4 ha hà thủ ô, cát sâm, khôi nhung, đẳng sâm. Trong đó, 40 ha gừng, sa nhân, hà thủ ô đã cho thu hoạch. Các hợp tác xã phát triển cây dược liệu, như hợp tác xã nông nghiệp Toàn Duyên, hợp tác xã Long Hiếu ở xã Sốp Cộp; hợp tác xã nông nghiệp Châu Thinh ở xã Mường Và...

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp cho biết, với mong muốn cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng, Phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã tuyên truyền, vận động các hợp tác xã, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu, hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch.

 Tại các xã vùng thấp như Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang tập trung trồng cây đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô; các xã vùng cao hoặc các xã có khí hậu mát mẻ, như Mường Lèo, Nậm Lạnh, Mường Lạn trồng sa nhân, quế, gừng...

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp cho biết thêm, cây dược liệu đang mang lại giá trị cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, đời sống của người nông dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Hầu hết các vùng trồng cây dược liệu đều là bà con dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên canh cây dược liệu chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn.

Là một trong những hợp tác xã tiên phong trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện, hợp tác xã Long Hiếu đang trồng các loại cây sa nhân đỏ, khôi nhung, cát sâm, gừng và đang ươm 400 nghìn cây giống phục vụ trồng 20 ha đẳng sâm từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, đã cung ứng hơn 100 nghìn cây giống cho trên 50 hộ ở các xã giáp trung tâm huyện.

Khắc phục những hạn chế trên, huyện Sốp Cộp đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, khảo nghiệm, nghiên cứu các loại cây dược liệu phù hợp với địa phương; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng, sơ chế, chế biến cây dược liệu. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường ổn định cho các sản phẩm từ cây dược liệu, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu - Ảnh 2.

Mô hình trồng cây đương quy của hợp tác xã dược liệu sạch Phương Ngân (Mộc Châu).

Theo đánh giá của các chuyên gia, Sơn La có địa hình, khí hậu, thảm thực vật, cảnh quan thiên nhiên rất thích hợp cho du khách khám phá. Trong đó, các loại cây dược liệu và những mô hình phát triển dược liệu sẽ có tiềm năng thu hút du khách. 

Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, từ nguồn vốn dành riêng chương trình phát triển cây dược liệu và nguồn vốn các chương trình đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Phát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng, lợi ích nhân đôiPhát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng, lợi ích nhân đôi

SKĐS - Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang khai thác hiệu quả diện tích dưới tán rừng để trồng cây dược liệu. Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế rừng, trong đó có việc trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng gỗ lớn đã tạo sinh kế cho nhiều người dân...

Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn