Khuyến cáo từ ca sốt rét ngoại nhập...

16-05-2013 10:53 | Y học 360
google news

Trong tiến trình hội nhập, giao lưu quốc tế, con người có thể bị mắc bệnh sốt rét qua con đường du lịch, công tác, xuất khẩu lao động bằng nhiều phương tiện, trong đó có phương tiện hàng không đến các vùng sốt rét lưu hành nặng có loài muỗi truyền bệnh xâm nhập, trú ẩn trên máy bay chích đốt máu để lây lan bệnh trước khi trở về lại nhà. Trường hợp này thường được gọi là sốt rét ngoại nhập.

Trong tiến trình hội nhập, giao lưu quốc tế, con người có thể bị mắc bệnh sốt rét qua con đường du lịch, công tác, xuất khẩu lao động bằng nhiều phương tiện, trong đó có phương tiện hàng không đến các vùng sốt rét lưu hành nặng có loài muỗi truyền bệnh xâm nhập, trú ẩn trên máy bay chích đốt máu để lây lan bệnh trước khi trở về lại nhà. Trường hợp này thường được gọi là sốt rét ngoại nhập.

Con đường của sốt rét ngoại nhập

Trên thực tế ghi nhận bằng nhiều phương tiện đi lại, trong đó có phương tiện phổ biến qua đường hàng không; khi máy bay hạ cánh và đỗ với thời gian thích hợp vào ban đêm ở những sân bay thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng ở nước ngoài; muỗi truyền bệnh của vùng này mang mầm bệnh ký sinh trùng sốt rét có thể xâm nhập vào khoang máy bay để trú ẩn, chích đốt máu hành khách và có khả năng lây truyền bệnh sốt rét tại đây mặc dù hành khách cư trú tại quốc gia không có bệnh sốt rét lưu hành. Hành khách bị mắc bệnh sốt rét trong các trường hợp này sau khi trở về nhà gọi là sốt rét ngoại nhập, có nghĩa là nhiễm bệnh sốt rét ở nước ngoài và phát bệnh lúc về nội địa. Ngoài ra, các trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp hoặc không hợp pháp đến một số quốc gia thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng nhưng không được thực hiện các biện pháp phòng chống tốt; người lao động có thể bị mắc sốt rét ở nước sở tại rồi khởi phát bệnh khi trở lại quê nhà cũng được gọi là sốt rét ngoại nhập. Việc giám sát sốt rét ngoại lai qua thực tiễn đã gặp phải rất nhiều khó khăn, đối với việc giám sát sốt rét ngoại nhập lại càng phức tạp, khó khăn hơn và thường dễ bị bỏ sót. 

Nếu những hành khách ở trên các chuyến bay quốc tế hoặc những người xuất khẩu lao động ở vùng không có sốt rét lưu hành chưa có miễn dịch đối với sốt rét đến những vùng có sốt rét lưu hành bị mắc sốt rét ngoại nhập thì bệnh cảnh lâm sàng thường diễn biến khá nặng, đặc biệt khi nhiễm chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum sẽ dễ chuyển thành sốt rét ác tính gây tử vong.

Việc chẩn đoán sốt rét ngoại nhập cũng gặp rất nhiều khó khăn vì cán bộ y tế không khai thác được yếu tố dịch tễ một cách đầy đủ từ người bệnh; phần lớn sốt rét ngoại nhập là sốt rét sơ nhiễm nên cơn sốt thường không điển hình, khó nhận biết.

Trên thực tiễn ghi nhận, tỷ lệ tử vong ở những trường hợp sốt rét ngoại nhập rất cao do bệnh thường diễn biến nặng; việc chẩn đoán xác định bệnh thường chậm trễ hoặc chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác.

Ngoài ra, nếu tại nơi ở của những bệnh nhân bị nhiễm sốt rét ngoại nhập từ nước ngoài mang về có loài muỗi truyền bệnh sốt rét phù hợp đang hoạt động với mật độ cao và đảm nhận được vai trò truyền bệnh tại chỗ thì có thể gây ra dịch sốt rét với nhiều người mắc từ mầm bệnh nhập ngoại của bệnh nhân này.

Khuyến cáo từ ca sốt rét ngoại nhập... 1
 Máy bay đỗ ở sân bay vùng sốt rét ban đêm, cơ hội để sốt rét ngoại nhập (ảnh chỉ có tính minh họa).

Khuyến cáo từ ca sốt rét ngoại nhập kháng thuốc

Vào cuối tháng 3/2013, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ca bệnh với biểu hiện sốt kèm theo ho, khó thở. Người bệnh vừa từ Angola trở về Việt Nam được 4 ngày, đã điều trị bằng thuốc kháng sinh với chẩn đoán viêm phế quản không khỏi bệnh. 4 ngày sau, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, có biểu hiện rối loạn ý thức nên gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Bác sĩ tại bệnh viện chẩn đoán xác định bệnh nhân bị mắc bệnh sốt rét (xét nghiệm máu phát hiện được ký sinh trùng sốt rét). Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng nặng và nguy kịch do phát hiện và xử trí muộn, bệnh cảnh lâm sàng đã chuyển thành sốt rét ác tính với biến chứng não dẫn đến hôn mê; biến chứng đa phủ tạng tim, thận, rối loạn đông máu; có biểu hiện suy hô hấp phải đặt nội khí quản và thở máy... Người bệnh được điều trị sốt rét ác tính bằng thuốc artesunate đơn thuần nhưng đáp ứng chậm, mật độ ký sinh trùng sốt rét trên lam máu xét nghiệm theo dõi hàng ngày cũng giảm chậm nên các bác sĩ ở đây nghĩ đến sốt rét kháng thuốc (mặc dù tại Angola, thuốc artesunate chưa được sử dụng phổ biến). Vì vậy, bệnh nhân đã được điều trị thay thế bằng thuốc quinin truyền thống và thuốc đã đáp ứng hiệu lực tốt. Sau hơn 1 tháng điều trị, người bệnh đã qua khỏi cơn nguy kịch, thoát khỏi tử vong và xuất viện vào ngày 9/5/2013. Qua bệnh nhân đã nêu trên, một bài học kinh nghiệm được đặt ra là sốt rét ngoại nhập, kể cả sốt rét ngoại lai nếu phát hiện muộn, chẩn đoán nhầm, xử trí không phù hợp, kịp thời và hiệu quả đều dẫn đến sốt rét ác tính, có thể gây tử vong.  Qua đây cũng khuyến nghị bác sĩ ở các cơ sở y tế cần xem lại quy định trong y văn hướng dẫn khi chẩn đoán bệnh nói chung và bệnh sốt rét nói riêng là phải căn cứ vào 3 yếu tố dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm; nếu không dễ bị bỏ sót hay chẩn đoán nhầm với các bệnh khác, nhất là đối với các trường hợp sốt rét ngoại lai và sốt rét ngoại nhập. Hiện nay, hiện tượng ký sinh trùng kháng thuốc đối với thuốc artesunate đơn thuần đã được phát hiện ở một số nước trên thế giới, kể cả Việt Nam nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia không nên dùng artesunate đơn thuần và nên dùng thuốc phối hợp có dẫn chất artemisinin như dihydroartemisinin-piperaquin, biệt dược là arterakine và CV artecan. Trong trường hợp điều trị thuốc phối hợp ở trên không đáp ứng, bị thất bại, có thể dùng thuốc điều trị thay thế có đáp ứng tốt hơn là quinin phối hợp với doxycyclin hoặc quinin phối hợp với clindamycin nếu bệnh nhân là phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Một vấn đề cũng cần quan tâm là phải có nguồn thuốc quinin dự trữ, kể cả thuốc tiêm và thuốc uống để sử dụng khi cần thiết vì loại thuốc này thực tế hiện nay ít có tại cơ sở y tế.      
 
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

Ý kiến của bạn