Đêm khuya ngày 9/3, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai đã tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhân người dân tộc Dao ở Thái Nguyên bị ngộ độc nấm tán trắng trong tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng, tụt huyết áp, men gan tăng. Đây là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc nấm tán trắng từ đầu năm 2014, tuy nhiên, theo các chuyên gia chống độc, tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc nấm không phải là hy hữu mà là chuyện thường tình “đến hẹn lại lên” vào đầu mùa mưa...
Nguy kịch tính mạng vì hơn 1kg nấm
Chiều ngày 10/3, khi chúng tôi có mặt tại Trung tâm chống độc, sức khỏe của 5 nạn nhân ngộ độc nấm tán trắng gồm: Vũ Thị Hồi, Triệu Nho Phú, Lý Thị Thơm, Lý Thị Thúy và Lý Minh Khôi ở xã Liên Minh - huyện Võ Nhai - tỉnh Thái Nguyên đã bước đầu hồi phục hơn sau khi được thầy thuốc các tuyến từ BVĐK huyện Võ Nhai, BVĐK tỉnh Thái Nguyên và Trung tâm chống độc tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu và xử trí điều trị ngộ độc nấm theo các phác đồ của Bộ Y tế. Trước đó, chiều ngày 8/3, 5 người trên đã ăn canh nấm với khoảng hơn 1kg nấm tán trắng hái trên rừng, sau ăn khoảng 15h, rạng sáng ngày 9/3, cháu Khôi và chị Thơm là hai nạn nhân đầu tiên bị ngộ độc với triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa. Tiếp sau đó, cháu Thùy và ông Phú, bà Hồi lần lượt bị ngộ độc với các dấu hiệu như những người trước đó. Người nhà đã vội đưa các nạn nhân đến BV huyện Võ Nhai để cấp cứu ban đầu. Sau khi tiến hành rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính và sơ cấp cứu ban đầu, BVĐK huyện Võ Nhai đã chuyển cả 5 nạn nhân lên các BVĐK Thái Nguyên để được điều trị tiếp. Tuy nhiên, nhận thấy đây là các trường hợp bệnh nặng, ngay trong đêm 9/3, BVĐK Thái Nguyên đã chuyển nạn nhân đến Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai.
Bệnh nhân ngộ độc nấm đang được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (ngày 10/3/2014). Ảnh: Trần Minh
PGS.TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, các nạn nhân này bị ngộ độc nấm chậm (15h sau khi ăn nấm). Theo như sự phân chia để điều trị cấp cứu ngộ độc thực phẩm thì đây là loại ngộ độc nấm chậm (sẽ khó điều trị). Trong khi đó, nấm tán trắng là nấm có độc tính cao, nếu không được điều trị nhanh, kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan, viêm thận cấp và làm suy đa phủ tạng. Sau khi được điều trị ở các tuyến y tế, các nạn nhân đã không còn bị tụt huyết áp, rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên hiện nay, men gan của các nạn nhân này đã tăng gấp từ 3 - 5 lần so với người bình thường. Điều này dễ khiến tế bào gan bị hủy hoại và dễ dẫn đến nguy cơ viêm gan, thận cấp. Do đó, các thầy thuốc của Trung tâm Chống độc vẫn đang theo dõi rất sát sao diễn tiến sức khỏe của các nạn nhân.
Thói quen ăn nấm rừng: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tình trạng ngộ độc thực vật độc, nấm độc tại một số tỉnh miền Bắc nước ta như: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn tính từ năm 2003 đến năm 2011 cho thấy, đã xảy ra 142 vụ ngộ độc thực vật với 241 người mắc, trong đó có 66 người tử vong. Riêng về ngộ độc do nấm độc, tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đã xảy ra 90 vụ với 340 người mắc, trong đó có 55 người tử vong.
Theo nhận định của các chuyên gia, so với các loại ngộ độ khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nguyên nhân là do nhiều người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn dẫn đến tình trạng này. Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Hoàng Công Minh - Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân vùng cao thường xuyên sử dụng. Vì thế, số vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở những khu vực này. TS. Phạm Duệ nhấn mạnh, người dân cần lưu ý, ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng, tránh bệnh vạ vì miệng.
TS. Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh, mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên ở nước ta. Đây cũng là khu vực có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn. Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình... Trước thực trạng như vậy, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 282/ATTP-TT đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, Mông trên sóng phát thanh tại địa phương nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc.
Khuyến cáo của Cục ATTP - Bộ Y tế về dự phòng ngộ độc nấm
- Người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm của nấm độc.
- Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, nát có thể thành nấm độc.
- Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết nhưng vẫn có thể gây ngộ độc với người.
Hướng dẫn xử trí ban đầu người bệnh bị ngộ độc nấm
Gây nôn (bằng biện pháp cơ học); cho bệnh nhân uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh; cho bệnh nhân uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol, đồng thời nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Người bệnh không tự về nhà trong 1 - 2 ngày đầu, kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết. TS. Duệ cũng lưu ý, đối với những trường hợp ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên).