Hà Nội

Khuyến cáo tiêm phòng vì quyền lợi của ai?

20-04-2014 19:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một thầy thuốc khi đứng trước bệnh nhân thì phải coi bệnh nhân là trên hết, lợi ích của bệnh nhân là trên hết.

Một thầy thuốc khi đứng trước bệnh nhân thì phải coi bệnh nhân là trên hết, lợi ích của bệnh nhân là trên hết. Điều này phải được hiểu rằng người thầy thuốc phải luôn coi trọng tính mạng người bệnh, luôn giúp người bệnh chọn lựa phương pháp điều trị có lợi nhất. Khi căn bệnh vượt quá khả năng của mình hoặc của cơ sở của mình, người thầy thuốc cần phải chuyển bệnh nhân đến một bác sĩ khác, một cơ sở khác.

Việc một vài nhân viên y tế đòi hỏi phong bì mới chịu khám chữa bệnh, một số bác sĩ kê toa thuốc để ăn hoa hồng là những hành vi vi phạm nguyên tắc coi trọng quyền lợi người bệnh. Số này thực sự chỉ là một số rất ít những con sâu trong ngành y, cần nghiêm trị để không ảnh hưởng đến những nhân viên y tế khác luôn hành động vì quyền lợi của bệnh nhân.

Ngoại trừ một số ít những “con sâu” trong ngành, đa số nhân viên y tế đã làm rất tốt điều này. Nhiều nhân viên y tế không quản ngại khó khăn, gian khổ, thức đêm, lương thấp, không quản ngại những tác dụng độc hại của trang thiết bị y tế, không quản ngại việc bị phơi nhiễm với bệnh tật, lăn xả cứu chữa bệnh nhân. Hơn ai hết, nhân viên y tế hiểu sự lây lan của bệnh tật, nhưng khi khẩn cấp vẫn có những người không ngại việc hô hấp nhân tạo trực tiếp miệng qua miệng nhằm cứu sống người bệnh.

Khi có những vấn đề khó khăn trong chuyên môn, các bác sĩ thường vẫn ngồi lại với nhau để hội chẩn cho dù trong quan hệ xã hội có thể họ không ưa nhau lắm. Tất cả vì quyền lợi của người bệnh. Có lẽ ít có ngành nào mà hội chẩn thường xuyên như ngành y. Có khi tổ chức một buổi hội chẩn rình rang, có xe đưa rước, có biên bản. Có khi là một đoạn email, một clip, một cú điện thoại... Các mối quan hệ, các phương tiện liên lạc đều được tận dụng để hội chẩn với mong muốn mang lại lợi ích cao nhất cho người bệnh.

Không ít lần tôi nhận được điện thoại của một bác sĩ nào đó đang trong cuộc mổ hoặc đang đứng trước bệnh nhân trong phòng cấp cứu. Bản thân tôi cũng thường xuyên gửi thư, gọi điện, mời hội chẩn, tham khảo ý kiến các đồng nghiệp trong và ngoài nước.

​Tuy nhiên, khái niệm lợi ích của người bệnh đôi khi rất mơ hồ và ranh giới không rõ ràng, dễ gây sự hiểu lầm hoặc bị một vài “con sâu” lợi dụng.

Một câu chuyện gần đây là chuyện tiêm phòng. Việc tiêm phòng là một việc làm vì lợi ích của con người và của cả cộng đồng (trong trường hợp này, cộng đồng chính là một “bệnh nhân” của y học dự phòng). Khi xảy ra tai biến tiêm chủng, Bộ Y tế vẫn khuyến cáotiêm phòng. Dư luận phản đối, cho rằng Bộ Y tế hành động không vì quyền lợi của người dân. Dư luận căng thẳng quá, nhiều người sợ không dám cho con đi tiêm phòng.

Dịch bùng nổ. Khi dịch bùng nổ thì mới thấy khuyến cáo của Bộ Y tế là vì lợi ích của người bệnh. Nhưng trước đó vài tháng, việc khuyến cáo tiếp tục tiêm phòng lại bị coi là phục vụ cho việc mua vaccin, là hành động đi ngược lại lợi ích của người bệnh, là không có y đức...

Như vậy, trong một số trường hợp, hành động vì lợi ích của người bệnh chỉ được nhìn nhận khi lợi ích của người bệnh đã thực sự bị xâm hại...

Võ Xuân Sơn


Ý kiến của bạn