Hà Nội

Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho các nhóm đặc biệt: Vắc-xin cho lứa tuổi vị thành niên

01-10-2018 09:17 | Đời sống
google news

SKĐS - Người vị thành niên ở lứa tuổi 11 tới 18 là tuổi dễ nhạy cảm với nhiều loại bệnh truyền nhiễm, với các lý do chính như sau:

Môi trường hoạt động chủ yếu của nhóm đối tượng này là nhà trường,nơi có sự tiếp xúc thường xuyên với đông người.

Bản tính hiếu động do lứa tuổi làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với tác nhân vi sinh gây bệnh và một số yếu tố nguy cơ khác.

Là lứa tuổi mà miễn dịch có được do chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó bắt đầu giảm đi hoặc đã suy giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Vào cuối thời kỳ vị thành niên (18 tuổi) cũng là lứa tuổi trên thực tế có thể kết hôn hoặc có khả năng sinh sản, cần được sự bảo vệ bằng miễn dịch cho bản thân những người đó cũng như con của họ.

Cần thiết phải tiêm một số vắc - xin ở lứa tuổi vị thành niên vì đó là lứa tuổi mà miễn dịch có được do chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó bắt đầu giảm đi hoặc đã suy giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Cần thiết phải tiêm một số vắc - xin ở lứa tuổi vị thành niên vì đó là lứa tuổi mà miễn dịch có được do chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó bắt đầu giảm đi hoặc đã suy giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Các vắc-xin khuyến cáo sử dụng

Vắc-xin viêm gan B: Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản vắc- xin VGB cho những người chưa tiêm đủ, hoặc tiêm một liều nhắc lại nếu đã được tiêm theo lịch tiêm cơ bản hoặc theo chỉ định của bác sĩ để chủ động phòng nhiễm virut viêm gan B.

Vắc-xin sởi, quai bị, Rubella (MMR): Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản hoặc liều nhắc lại theo quy định vắc-xin MR/MMR. Liều nhắc lại có thể tăng cường miễn dịch cho phụ nữ khi bước vào tuổi sinh đẻ, truyền kháng thể cho con của họ khi mới sinh ra. Bệnh Rubella nếu xảy ra trong thời kỳ mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra sảy thai hoặc các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (Td/Tdap): Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản hoặc liều nhắc lại theo quy định tiêm nhắc lại để dự phòng bệnh ở nhóm này do miễn dịch có được từ giai đoạn trẻ nhỏ đã suy giảm. Ngoài ra liều tiêm nhắc có thể tăng cường miễn dịch cho phụ nữ khi bước vào tuổi sinh đẻ, truyền kháng thể cho con của họ khi mới sinh ra.

Vắc-xin thủy đậu: Nên hoàn thiện lịch tiêm cơ bản hoặc liều nhắc lại theo quy định để phòng bệnh thủy đậu. Ngoài ra còn có tác dụng tăng cường miễn dịch cho phụ nữ khi bước vào tuổi sinh đẻ, truyền kháng thể với bệnh thủy đậu cho con của họ khi sinh ra.

Vắc-xin HPV (human papillomavirus): Nên thực hiện lịch tiêm cơ bản gồm 3 mũi cho nữ vị thành niên và người trẻ tuổi, từ 10-25 tuổi (vắc-xin Cervarix) hoặc từ 9-26 tuổi (vắc-xin Gardasil). Mục đích nhằm dự phòng nhiễm virut human papillomavirus (HPV) gây ra ung thư cổ tử cung và những bệnh có liên quan đến HPV bao gồm viêm loét hậu môn sinh dục.

Vắc-xin cúm mùa: Nên tiêm nhắc vắc-xin cúm mùa hàng năm vào trước mùa dịch, nhằm phòng ngừa bệnh cúm do các virut cúm mùa týp A, B. Đây là một bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi và có thể ảnh hưởng tới thai nhi nếu phụ nữ nhiễm cúm trong thời kỳ mang thai, đặc biệt vào 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.

Vắc-xin não mô cầu: Nên thực hiện lịch tiêm cơ bản hay một liều tiêm nhắc theo quy định ở tuổi 11-12 tuổi, nếu có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn màng não cầu Meningococus, loại tác nhân có thể gây các bệnh viêm màng não, viêm phổi tử vong cao và thường để lại nhiều di chứng.

Lưu ý: Có thể tham khảo thêm ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện mỗi liều tiêm chủng.


Linh Giang
Ý kiến của bạn