Khuyến cáo: Rối loạn sức khỏe tâm thần gia tăng do stress

05-04-2019 08:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Áp lực công việc, cuộc sống và học tập gia tăng được cảnh báo đang tác động xấu đến sức khỏe tâm thần.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Y tế, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress. Mỗi ngày trung bình tại các đơn nguyên của Viện Sức khỏe tâm thần TW, BV Bạch Mai tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân ngoại trú.

Đa số bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần đều đi khám thần kinh, tim mạch

Tại Tọa đàm “Rối loạn liên quan đến stress và gánh nặng” do Viện Sức khỏe tâm thần - BV Bạch Mai tổ chức chiều 3/4, TS.BS.  Dương Minh Tâm, Phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam. Ở Việt Nam, đa số bệnh nhân lo âu đều đi khám các chuyên khoa tim mạch, thần kinh (nhiều lần) trước khi được chẩn đoán là lo âu, làm gia tăng các chi phí không cần thiết. Trong khi chi phí điều trị các rối loạn lo âu cao hơn nhiều so với các bệnh nội khoa khác.

Bệnh nhân điều trị rối loạn cảm xúc tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai.

Bệnh nhân điều trị rối loạn cảm xúc tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai.

“Trong khi đó, rối loạn tình dục, giấc ngủ, rối loại ăn uống đều liên quan tâm thần. Nhiều ca sĩ, diễn viên  nổi tiếng cũng gặp các sự cố về sức khỏe tâm thần mà căn nguyên gốc liên quan đến stress” - TS. Dương Minh Tâm cho biết.

TS. Tâm lưu ý, lo âu do tình trạng stress kéo dài chiếm tỷ lệ rất cao từ 2,9 - 9%. Lo âu là sự lo lắng, căng thẳng không phụ thuộc vào yếu tố kích thích (lo âu khác lo lắng, mai đi thi nay lo lắng, bồn chồn, bất an, tim đập nhanh, đánh trống ngực). Lo âu thường kéo dài, nhiều tuần, nhiều tháng, triệu chứng giống hệt lo lắng. Vì thế, các bệnh nhân hay đến khám chuyên khoa tim mạch hơn là tâm thần. Tình trạng này gặp ở cả nam và nữ.

Thậm chí triệu chứng lo âu chủ yếu lại được chẩn đoán là triệu chứng thần kinh thực vật: khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, trống ngực, đầu chếnh choáng...; rất nhiều người được chẩn đoán nhầm là: rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não... Nhưng sau khám tim mạch và dùng thuốc điều trị các bệnh trên đều không thuyên giảm. “Thực tế đó khiến nhiều  bệnh nhân đến khám các chuyên khoa khác trong suốt thời gian dài, khám nhiều, mới được động viên sang khoa tâm thần khám”.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, mới đây tiếp nhận bệnh nhân nữ 38 tuổi vào viện vì đau đầu kéo dài, mất ngủ (chỉ ngủ 1 - 2 giờ/đêm). Qua khai thác, nữ bệnh nhân làm nghề kế toán, đã có hai con. Hai vợ chồng sau cưới tích cóp mua được một căn nhà, với số nợ bằng 1/4 giá trị nhà. Vốn là người hay lo nghĩ, cầu toàn, chồng lại đi làm xa không hỗ trợ nhiều được chăm con, trả nợ, từ đó chị sinh ra đau đầu. Sau một thời gian biểu hiện hay căng thẳng lo lắng, bệnh nhân có cảm giác đau đầu hai bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém. 1 năm qua chị đã phải nghỉ việc, không thể đi làm vì đau đầu trầm trọng.

Mỗi khi gặp căng thẳng bệnh nhân thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược. Vì thế, chị đã đi khám đủ chuyên khoa. Số tiền vay mượn đi khám bệnh giờ nhiều hơn cả tiền nợ vay mua nhà. “Bệnh nhân rất chịu khó uống thuốc, ai mách ở đâu có thầy chữa tốt đều tìm đến. Nhưng căn nguyên gây đau đầu là tình trạng stress vì lo lắng nợ nần, con cái chưa được giải quyết mà còn nợ nhiều hơn khiến bệnh nhân càng nặng nề. Chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn dạng cơ thể, chỉ điều trị một thời gian là khỏi”, TS. Tâm chia sẻ.

Bị lạm dụng tình dục khi nhỏ, lớn lên bị stress sang chấn

TS.BS. Dương Minh Tâm cũng cho biết, trong thực tế điều trị bệnh nhân stress, rối loạn sang chấn có những bệnh nhân mãi không khỏi. Rồi lý do thực sự được bệnh nhân tiết lộ với bác sĩ, nhiều người trong số họ bị xâm hại tình dục khi nhỏ. “Người lạm dụng tình dục hầu như không phải là mắc bệnh mà họ làm việc đó vì có điều kiện thuận lợi. Còn những đứa trẻ bị lạm dụng sau này bị stress, sang chấn nhiều” - TS. Tâm lo ngại.

Ngoài ra, TS. Tâm cũng thông tin lứa tuổi học sinh (thường ở lứa tuổi THPT, THCS) có thể gặp rối loạn phân ly với những sự việc như: hàng loạt học sinh trong trường xuất hiện nôn mửa, cả trường ngất, lên cơn co giật, phân ly tập thể. Đây là bệnh lý tâm thần. Có nhiều rối loạn phân ly: co giật, xỉu, bệnh này gặp 1,6% ở nam, 1,4% ở nữ. Đáng lưu ý, stress ở tuổi học sinh do áp lực học tập từ cha mẹ, thầy cô với các em. “Chúng tôi gặp nhiều cháu vào viện than phiền mất phương hướng không biết học làm gì, chỉ biết học vì bố mẹ yêu cầu, thầy cô yêu cầu. Các vấn đề này thường gặp nhiều hơn ở học sinh trường chuyên, lớp chọn. Không ít học sinh đang chịu stress từ bố mẹ và thầy cô, do đó cần tăng cường cho các em thời gian vui chơi, tham gia thể thao... thay vì chỉ gò ép điểm số hay các công thức khô khan” - TS. Tâm nói.

Ngoài ra, TS. Tâm cũng lưu ý, có tình trạng khi gặp các rối loạn liên quan streess nhiều người sa vào nghiện (game, rượu bia, ma túy, cờ bạc), rất khó điều trị. Đây là phương thức tự điều trị tìm cách giải quyết những khó chịu, buồn phiền. Đầu tiên dùng ít giải khuây sau dùng nhiều gây nghiện. Khi điều trị phải cùng lúc điều trị tâm thần và điều trị nghiện chất.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn