Khuyến cáo phòng ngừa sốt xuất huyết

24-09-2020 22:19 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong khi dịch COVID-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thì bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng đang có xu hướng gia tăng số ca mắc. Việc phòng chống SXH đang đối mặt với không ít khó khăn, nhất là ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng chưa cao...

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã có 70.585 người mắc SXH, tập trung nhiều nhất là khu vực phía Nam với hơn 40.100 ca (chiếm 57%). Trong đó, TP.HCM có số ca mắc SXH cao nhất cả nước với 13.322 ca, nhưng tỉnh Phú Yên lại là địa phương có tỉ lệ mắc/100.000 cao nhất cả nước (504,5/100.000 dân). Đối với khu vực miền Bắc, tới nay, chỉ có 2.952 ca mắc SXH, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội là 1.993 ca mắc. Theo Bộ Y tế, ở thời điểm này, số ca mắc SXH đang có xu hướng tăng. Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang trong mùa mưa bão, khu vực miền Bắc bước vào mùa thu và đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc SXH trong gần 9 tháng qua giảm tới hơn 64%, nhưng trong 3 tuần gần đây, số mắc đang có xu hướng tăng cao gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam. Đặc biệt, chỉ số giám sát véc-tơ ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam và miền Trung khi các chỉ số bắt đầu tăng từ tháng 6-7, trước thời điểm số mắc SXH tăng khoảng 3-4 tuần. Tuy nhiên, giám sát huyết thanh không có sự khác biệt về phân bố type virus lưu hành tại các khu vực so với giai đoạn 5 năm gần đây, type virus gây bệnh vẫn chủ yếu là D1 và D2, chiếm 90%.

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống SXH. Ảnh: TM

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống SXH. Ảnh: TM

Mặc dù số ca mắc SXH giảm so với năm trước, nhưng hiện vẫn ở mức cao với nguyên nhân chủ yếu là ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng còn hạn chế; Chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban ngành, đoàn thể trong phòng chống SXH; Các chiến dịch diệt lăng quăng còn mang tính hình thức và không được duy trì lâu dài, bền vững; Chế tài xử phạt chưa được áp dụng tại các địa phương. Cùng với đó, việc phòng chống dịch SXH cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: hiện đang vào mùa mưa, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10-11; Tốc độ đô thị hóa nhanh, di biến động dân cư làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh; Hoạt động của mạng lưới cộng tác viên bị gián đoạn do kinh phí bị cắt giảm...

Hiện có 4 type virus SXH lưu hành và bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều type. Hơn nữa, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa, vì vậy, việc phòng chống SXH hiện nay chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các nguồn lây bệnh. Mặt khác, biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên của trái đất, hiện tượng El Nino, đô thị hóa không kiểm soát, di biến động dân cư khiến công tác phòng chống SXH trở nên khó khăn hơn.

Để phòng chống SXH, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Đồng thời, khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.


Thanh Hà
Ý kiến của bạn