Hơn 55% bệnh nhân hiện mắc ĐTĐ đã có biến chứng
Kết quả điều tra lứa tuổi 30-69, trên quy mô toàn quốc của BV Nội tiết Trung ương vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường đã tăng lên 7,3%. Trong khi kết quả điều tra những năm trước đó, là 2,7% (năm 2002); 5,4% (năm 2012). Như vậy, tỉ lệ đái tháo đường đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Điều nguy hiểm là có tới hơn 55% bệnh nhân hiện mắc ĐTĐ đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Theo TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc ĐTĐ tới 70% số trường hợp.
Tại hội nghị khoa học thường niên do Bệnh viện Nội tiết Trung ương tổ chức mới đây, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết, công tác điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường còn nhiều khó khăn với tỷ lệ 62,6% người bệnh chưa được chẩn đoán trong cộng đồng. Bộ Y tế đã đưa ra mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó đối với bệnh đái tháo đường cần đạt được trong thập kỷ này là:
- Khống chế tỉ lệ tiền đái tháo đường dưới 16%.
- Khống chế tỉ lệ đái tháo đường dưới 8%.
- 50% số người bị bệnh đái tháo đường được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
Hiện nay tuy chưa chữa khỏi được nhưng nếu kiểm soát tốt đường huyết, kết hợp lối sống lành mạnh, quản lý cân nặng và liệu pháp điều trị đái tháo đường type 2 có thể giúp bệnh thoái lui, GS.TS.Trần Hữu Dàng cho biết.
Khuyến cáo điều trị đái tháo đường type 2 theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ
Năm 2022, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA) đưa ra các khuyến cáo về tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường chỉ cần 1 trong 4 tiêu chí sau để chẩn đoán bệnh:
1. Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/ dl (7,0 mmol /l): Đói được định nghĩa là không ăn hay uống thực phẩm chứa calo ít nhất 8 giờ.
2. Glucose huyết tương sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 200 mg/dl (11,1 mmol/l): Nghiệm pháp được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng một lượng glucose tương đương với 75 g glucose khan hòa tan trong nước.
3. A1C ≥ 6,5 % (48 mmol/mol): Xét nghiệm phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chứng nhận và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn xét nghiệm đạt yêu cầu.
4. Trên những bệnh nhân có các triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết hay đường huyết tăng rất cao, đường huyết bất kì ≥ 200 mg/dl (11,1 mmol/l).
Theo đó, ADA đưa ra khuyến cáo điều trị đái tháo đường type 2 như sau:
Lựa chọn đầu tay phụ thuộc vào các bệnh đồng mắc, các yếu tố liên quan đến việc điều trị lấy bệnh nhân làm trung tâm và nhu cầu điều trị.
- Các thuốc đầu tay bao gồm metformin và các biện pháp điều chỉnh lối sống. Các thuốc điều trị khác (GLP-1 RA, SGLT-2i) phối hợp/hoặc không phối hợp metformin, dựa trên nhu cầu hạ đường huyết phù hợp để điều trị ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ cao/hoặc mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa, bệnh suy tim và/hoặc bệnh thận mạn.
Vì những lợi ích về mặt đường huyết và chuyển hóa, metformin nên được duy trì khi bệnh nhân bắt đầu được điều trị bằng insulin (trừ trường hợp bệnh nhân bị chống chỉ định hoặc không dung nạp). Liệu pháp phối hợp sớm nên được cân nhắc ở bệnh nhân khởi đầu điều trị để đẩy lùi thời gian điều trị thất bại.
- Nên cân nhắc điều trị bằng insulin sớm nếu bệnh nhân có bằng chứng dị hóa (giảm cân). Nếu bệnh nhân có biểu hiện tăng đường huyết hoặc nếu A1C > 10% hoặc nếu đường huyết ở mức rất cao (≥ 300 mg/dL).
- Việc tiếp cận điều trị lấy bệnh nhân làm trung tâm nên bao gồm cả việc giải thích lý do lựa chọn thuốc điều trị. Nên cân nhắc tác động đối với các bệnh lý tim mạch và thận đồng mắc, hiệu lực, nguy cơ tăng đường huyết, tác động trên cân nặng, giá cả và tính khả dụng, tác động bất lợi và lựa ý muốn của bệnh nhân.
- Các tác nhân SGLT-2i và GLP-1 RA đã được chứng minh lợi ích trên tim mạch. Do đó được khuyến cáo lựa chọn trong phác đồ hạ đường huyết và phác đồ làm giảm nguy cơ tim mạch toàn diện đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 mắc bệnh tim mạch do xơ vữa, hoặc có những yếu tố nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, bệnh thận hoặc suy tim
- GLP-1 RA được ưu tiên lựa chọn hơn so với insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Phối hợp điều trị với GLP-1 RA được khuyến cáo nếu bệnh nhân được điều trị bằng insulin để gia tăng hiệu lực và tính bền vững của điều trị.
- Không nên trì hoãn tăng cường điều trị ở bệnh nhân không đạt mục tiêu điều trị.
- Phác đồ điều trị và thói quen dùng thuốc của bệnh nhân nên được tái đánh giá đều đặn (mỗi 3-6 tháng) và điều chỉnh nếu cần thiết...
Mời độc giả xem thêm video:
5 loại thực phẩm bà bầu cần bổ sung để con khoẻ, thông minh