Hà Nội

Khuyến cáo mới dùng PrEP dự phòng lây nhiễm HIV

11-12-2021 13:26 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Các cập nhật liên quan đến việc sử dụng biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để giảm nguy cơ nhiễm HIV được trình bày trong các hướng dẫn thực hành lâm sàng do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Mỹ xuất bản mới đây.

1. Hướng dẫn thực hành lâm sàng mới về PrEP của CDC Mỹ

Dựa trên kết quả thử nghiệm và sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các nhà nghiên cứu từ CDC đã cập nhật các hướng dẫn thực hành lâm sàng cho PrEP để giảm nguy cơ nhiễm HIV.

Theo hướng dẫn, tất cả bệnh nhân người lớn và vị thành niên có quan hệ tình dục phải được cung cấp thông tin về PrEP.

photo-1639201441625

HIV gây suy giảm miễn dịch ở người.

PrEP là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng virus là emtricitabine (FTC) và tenofovir disoproxil fumarate (TDF) dùng hàng ngày, được khuyến cáo cho người lớn và thanh thiếu niên có hoạt động tình dục, có nguy cơ cao bị phơi nhiễm và nhiễm HIV cũng như những người tiêm chích ma túy.

Với sự kết hợp của emtricitabine và tenofovir alafenamide, uống hàng ngày được khuyến cáo cho nam giới trưởng thành và vị thành niên, những người có hành vi tình dục có nguy cơ cao lây nhiễm và nhiễm HIV và cho phụ nữ chuyển giới có quan hệ tình dục với nam giới và báo cáo hành vi tình dục khiến họ có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Đối với PrEP dạng tiêm bắp chứa cabotegravir, tiêm hai tháng một lần được khuyến cáo cho người lớn và thanh thiếu niên báo cáo các hành vi tình dục khiến họ có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Tình trạng nhiễm HIV nên được đánh giá ít nhất ba tháng một lần đối với những người dùng PrEP đường uống và bốn tháng một lần đối với những người tiêm cabotegravir.

Khi kê đơn PrEP, bác sĩ lâm sàng nên cung cấp khả năng tiếp cận để hỗ trợ tuân thủ thuốc, tiếp tục chăm sóc theo dõi và các dịch vụ giảm thiểu rủi ro hiệu quả đã được chứng minh để cho phép sử dụng PrEP cùng với các phương pháp phòng ngừa hiệu quả khác, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

2. PrEP có phải là vaccine không?

photo-1639201444023

PrEP không phải là vaccine.

PrEP không phải là vaccine. Vaccine giúp hệ miễn dịch sinh ra kháng thể của cơ thể để chống lại một nhiễm trùng nào đó trong thời gian dài. Còn PrEP là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP cần phải được uống mỗi ngày. Khi dừng, thuốc hết tác dụng.

3. PrEP khác gì với K=K như thế nào?

K = K (viết tắt là Không phát hiện = Không lây truyền): Là những người đã nhiễm HIV điều trị thuốc ARV mỗi ngày để đạt được ức chế tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml máu – và thường đạt được sau 6 tháng uống thuốc, khi đó không làm lây truyền HIV sang bạn tình của họ.

PrEP dùng cho người chưa nhiễm HIV, uống thuốc ARV để dự phòng không bị lây nhiễm HIV qua các hành vi nguy cơ.

Thuốc PrEP là kết hợp 2 loại thuốc kháng virus, còn thuốc điều trị cho người nhiễm HIV để đạt được K=K là kết hợp 3 loại thuốc kháng virus. Dù cùng có bản chất là thuốc kháng virus nhưng đây là sự kết hợp thuốc khác nhau cho mục đích sử dụng khác nhau.

4. Dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV giống và khác nhau như thế nào?

Mặc dù đều là dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV nhưng chúng có những điểm giống và khác nhau cơ bản như sau:

Giống nhau:

-PrEP (Dự phòng trước phơi nhiễm) và PEP (Dự phòng sau phơi nhiễm) đều là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống thuốc ARV.

-PrEP và PEP đều áp dụng cho người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ nhiễm HIV.

Khác nhau:

PrEP

PEP

Về tên gọi

Dự phòng trước phơi nhiễm

Dự phòng sau phơi nhiễm

Uống khi nào?

- Trước khi phơi nhiễm HIV

- Uống mỗi ngày trước khi có nguy cơ nhiễm HIV

- Sau khi phơi nhiễm HIV

- Điều trị khẩn cấp: uống trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm HIV

Ai cần dùng?

Người chưa nhiễm HIV nhưng:

- Quan hệ tình dục với người nhiễm HIV

- Quan hệ tình dục với người không biết tình trạng HIV

- Dùng chung bơm kim tiêm

Người chưa nhiễm HIV nhưng đã bị phơi nhiễm HIV:

- Quan hệ tình dục không an toàn

- Tiêm chích ma túy không an toàn

- Kim đâm

- Bị lạm dụng tình dục

Hiệu quả

Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục hơn 90% và tiêm chích ma túy tới 70%.

Phòng lây nhiễm HIV nếu uống đúng đủ và càng sớm càng tốt.

Mời độc giả xem thêm video:

Vinh danh 87 trí thức tiêu biểu ngành y năm 2021

BS Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn