Khuyến cáo du khách cẩn trọng khi đặt phòng lưu trú ở Đà Lạt qua mạng

29-11-2024 14:30 | Xã hội
google news

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vừa có thông tin lưu ý du khách khi đặt phòng nghỉ qua mạng tại thành phố Đà Lạt. Đồng thời khuyến cáo du khách không nên đặt phòng qua những tài khoản không rõ ràng; nếu có dấu hiệu bị lừa đảo, cần liên hệ qua các đường dây nóng để được hỗ trợ.

Thời gian tới là dịp nghỉ lễ Giáng sinh, đón năm mới, Tết Nguyên đán và đặc biệt là sự kiện Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 (từ ngày 5 - 31/12/2024) nên sẽ thu hút hàng trăm nghìn du khách tới thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên thời gian qua, Ban tổ chức Festival Hoa Đà Lạt nhận được nhiều thông tin phản hồi liên quan đến vụ việc các Fanpage giả mạo trang mạng xã hội của cơ sở lưu trú, tiếp cận khách, tư vấn và yêu cầu khách chuyển tiền sớm để nhận ưu đãi.

Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Đà Lạt cảnh báo, du khách không nên đặt phòng qua những tài khoản mạng xã hội không rõ ràng, có tên giao dịch ngân hàng khác với tên trang cá nhân. Ngoài ra, trong dịp Tết nhu cầu tăng cao, du khách nên liên hệ qua khách sạn hoặc gọi về số điện thoại của Phòng để kiểm tra trước khi giao dịch.

Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Đà Lạt cho biết, đơn vị đã bố trí đủ nhân lực phục vụ du khách qua đường dây nóng. Khi thấy nghi ngờ về trang mạng xã hội của cơ sở lưu trú, du khách có thể liên lạc qua đường dây nóng để kiểm tra tính xác thực của trang mạng trên, đảm bảo cho việc đặt phòng an toàn. Số Zalo đường dây nóng thành phố Đà Lạt là: 0912.903.178.

Ngoài ra, nếu có dấu hiệu bị lừa tiền cọc khi đặt phòng nghỉ tại tỉnh Lâm Đồng, du khách có thể gửi đơn trình báo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để được giải quyết kịp thời. Các đầu mối hỗ trợ du khách gồm: Ông Trần Trường San, Phó Chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, số điện thoại: 02633.829.697- 033.537.4895; ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý du lịch của Sở, số điện thoại: 02633.824.377- 0933.105.969.

Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Đà Lạt cũng nêu rõ, ở thành phố hiện có 2.503 cơ sở lưu trú với 33.138 phòng được cấp phép đủ điều kiện hoạt động kinh doanh du lịch. Loại hình homestay, thuê nhà nguyên căn đang được ưa chuộng tại đây. Tuy nhiên, hiện mới bàn chỉ có 7 cơ sở được công nhận là homestay đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để hoạt động kinh doanh do cơ quan nhà nước thẩm định và cấp phép. Đó là các cơ sở: Homestay Ngôi nhà tím (số 3Bis Cô Giang, phường 9), Homestay Thung lũng dâu (số 158 Thánh Mẫu, phường 7), Homestay Đồi Thỏ con (số 521 Tự Phước, phường 11), Homestay Đạ Lạch Noah (số 43 Đèo Mimosa, phường 10), Homestay Là nhà (TBĐ 46C Vạn Hạnh, phường 8), Homestay Đợi một người (hẻm 63, Tổ dân phố 13 Đèo Prenn, phường 3) và Homestay LengKeng (số 57 Hoàng Hoa Thám, phường 10).

Ở Đà Lạt còn có nhiều cơ sở homestay tự xây dựng, tự ý đón khách khi chưa có giấy phép, điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, xây dựng trên đất nông nghiệp, dựng nhà tạm bợ, chưa được cơ quan nhà nước thẩm định đủ điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động. Do đó đã có tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, khách đặt một nơi rồi cho ở một nơi khác, hoặc nhận đặt cọc của khách nhưng đến nơi thì không ai phục vụ, trang thiết bị xuống cấp. Điều này làm ảnh hưởng đến ngành Du lịch tại Đà Lạt.

Ngoài 7 cơ sở homestay nêu trên, còn lại tất cả các cơ sở gắn mác homestay trên mạng xã hội đều chưa được cơ quan Nhà nước thẩm định. Do đó, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Đà Lạt khuyến cáo, du khách thận trọng, nên tìm hiểu rõ về cơ sở (xin xem giấy phép kinh doanh, giấy tờ liên quan đến cơ sở) trước khi quyết định đến ở hoặc đặt cọc qua mạng, tránh những rắc rối sẽ xảy ra…


Theo Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Ý kiến của bạn