Hiện không có cách chữa trị, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng và tần suất của các giai đoạn có thể được làm giảm bớt và được kiềm chế bằng thuốc, cố vấn tâm lý và các chương trình hỗ trợ xã hội. Một trong những loại thuốc được sử dụng là thuốc ổn định tâm trọng, thông thường nhất được sử dụng ở Úc là lithium với tên thương mại là quilonum SR và lithicarb. Tuy nhiên, gần đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) đã đăng tải thông tin khuyến cáo về độc tính của loại thuốc này với người sử dụng đồng thời hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu sớm tình trạng gây độc của thuốc để có biện pháp xử trí kịp thời.
TGA đưa ra khuyến cáo này sau khi đã nhận được 58 báo cáo (tính đến ngày 17/5/2017) nghi ngờ lithium gây độc. Hai trong số những trường hợp này đã tử vong. Mức lithium huyết thanh không được báo cáo trong tất cả các trường hợp nhưng với các trường hợp được xét nghiệm, mức lithium dao động từ 1,09 đến 5,72mmol/L. Nguyên nhân gây ra ngộ độc được xác định trong 17 trường hợp là sự tương tác với các loại thuốc khác và một số trường hợp là do sử dụng không hợp lý.
Các triệu chứng ban đầu của ngộ độc lithium rất đa dạng và không đặc hiệu. Chúng có thể xảy ra khi nồng độ lithium huyết thanh vượt quá 1,5mmol/L nhưng có thể xảy ra khi nồng độ lithium huyết thanh nằm trong phạm vi nồng độ đích. Các dấu hiệu có thể bao gồm bàn tay run rẩy, tiêu chảy, buồn nôn/nôn, khát, buồn ngủ, kích động, mất điều hòa vận động, yếu cơ, tiểu tiện gia tăng. Điều đáng lo ngại là độc tính gây tổn thương tại hệ thần kinh trung ương. Các biểu hiện thần kinh về nhiễm độc lithium như: chứng mất ngủ, rối loạn nhịp tim, khó nuốt và suy giảm nhận thức có thể không hoàn toàn hồi phục mặc dù đã được điều trị thích hợp. Trong trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc lithium có thể gây co giật, đau cơ và hôn mê.
Độc tính lithium có thể là kết quả của sự giảm lọc cầu thận, tăng tái hấp thu ống thận hoặc thể tích phân bố bị thay đổi. Một số yếu tố được biết là làm tăng nguy cơ độc tính bao gồm suy giảm chức năng thận, người trên 50 tuổi, mất nước (do nôn mửa, tiêu chảy và mồ hôi quá mức), giảm lượng muối tiêu thụ, rối loạn tuyến giáp, mắc bệnh mạn tính, sử dụng đồng thời các thuốc làm giảm độ thanh thải lithium (ví dụ thuốc chống viêm không steroid, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin 2 và thuốc lợi tiểu).
Do liều gây độc và liều điều trị của lithium có khoảng cách rất gần nên TGA khuyến cáo các chuyên gia y tế cần thận trọng với các dấu hiệu tiềm tàng của ngộ độc lithium, đặc biệt ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng cần hướng dẫn bệnh nhân và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc về các triệu chứng ban đầu của ngộ độc lithium để xử trí kịp thời, tránh tử vong.