Hà Nội

Khuyến cáo của IPU về phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

06-04-2015 00:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhóm Tư vấn IPU về HIV/AIDS và sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh đã có báo cáo về tình hình dịch HIV/AIDS và các đáp ứng với HIV/AIDS của Việt Nam, trong đó báo cáo đã đề cập đến nhiều phát hiện và khuyến cáo quan trọng cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

 

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) do Quốc hội Việt Nam đăng cai vừa tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Nhóm Tư vấn IPU về HIV/AIDS và sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh đã có báo cáo về tình hình dịch HIV/AIDS và các đáp ứng với HIV/AIDS của Việt Nam, trong đó báo cáo đã đề cập đến nhiều phát hiện và khuyến cáo quan trọng cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam

Tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, do vậy các nhà tài trợ bắt đầu cắt giảm viện trợ nhanh chóng và vì vậy cần đảm bảo chuyển đổi sang việc quản lý và tự chủ quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Nhóm Tư vấn khuyến cáo rằng, cần nâng cao nhận thức một cách mạnh mẽ cho các đại biểu Quốc hội và những người hoạch định chính sách về những thách thách về nguồn lực và sự cần thiết phải đảm bảo nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Cần phải có cam kết chính trị và hành động mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đảm bảo có đủ nguồn lực để duy trì các thành quả trong thời gian qua cũng như mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết. Cần dựa vào Khung chiến lược đầu tư mà Bộ Y tế mới xây dựng để triển khai chương trình một cách hiệu quả nhất.

Quốc hội Việt Nam cần hỗ trợ các cam kết của Chính phủ với các nhà tài trợ nước ngoài, vận động và có một lộ trình hết sức rõ ràng cho việc giảm phụ thuộc vào viện hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ nước ngoài, đảm bảo an toàn cho quá trình chuyển gia. Lộ trình cũng cần xác định rõ cần phải đầu tư bao nhiêu tiền cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tới và các nguồn lực này đến từ đâu? Đóng góp bao nhiêu?

Môi trường chính sách và pháp lý

Nhóm tư vấn đánh giá cao vai trò và những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp lý và luật pháp quốc gia để đáp ứng với yêu cầu công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, chuyển dần từ các hình thức mang tính trừng phạt sang các biện pháp can thiệp giảm tác hại dựa vào cộng đồng phù hợp với tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được điều chỉnh cho phù hợp với Luật phòng, chống HIV/AIDS, đáng chú ý là sửa đổi các điều khoản liên quan đến các quy định can thiệp giảm tác hại trong Luật phòng chống ma túy.

Tuy nhiên, một số chính sách và luật pháp chậm được triển khai do nhận thức không đầy đủ hoặc thiếu hướng dẫn triển khai. Nhóm Tư vấn khuyến cáo Quốc hội cần quan tâm hơn nữa trong việc truyền thông và giám sát về những vấn đề này.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone có thể giúp người tiêm chích ma túy giảm hoặc ngừng sử dụng ma túy và trở lại cuộc sống có ích. Đây là một chương trình can thiệp toàn diện nó bao gồm tư vấn, khám bệnh, điều trị bằng Methadone dài hạn cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện mà hầu hết các trường hợp sử dụng Heroin. Tư vấn, quản lý ca bệnh, cung cấp các dịch vụ y tế và hỗ trợ tâm lý là trung tâm của quá trình điều trị. Nó giúp phòng lây nhiễm HIV bằng việc đảm bảo cho người nghiện không sử dụng chung bơm kim tiêm.

Nhóm tư vấn cũng khuyến cáo rằng, Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi hơn nưa chương chương trình Methadone trong tương lai tại các phòng khám, các trung tâm lưu động và có thể kết hợp với các điểm điều trị 2.0 để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng. Quốc hội cũng cần thiết loại bỏ tất cả các rào cản pháp lý cho việc triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại, vận động chính sách bao gồm cả chương trình Methadone trong hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Sáng kiến điều trị 2.0

Để tăng cường cung cấp dịch vụ phòng, chống  HIV/AIDS và mở rộng tiếp cận dịch vụ, tháng 6/2012 Việt Nam đã triển khai thí điểm Sáng kiến điều trị 2.0 của UNAIDS và Tổ chức Y tế Thế giới tại 2 tỉnh Điện Biên và Cần Thơ.

Sáng kiến điều trị 2.0 với mục đích mở rộng việc tiếp cận sớm với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị ARV kết hợp với việc lồng ghép các dịch vụ có liên quan vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến xã. Xét nghiệm HIV được thực hiện tại trạm y tế xã, ở đó cán bộ y tế thực hiện các xét nghiệm nhanh sàng lọc HIV. Sử dụng thuốc kháng vi rút ít độc, viên kết hợp, ngày chỉ uống một viên cũng được cung cấp tại xã cho những người có nhu cầu điều trị. Việc khỏi liều điều trị tại tuyến huyện nhưng khi đã ổn định, người nhiễm HIV sẽ được theo dõi và nhận thuốc định kỳ tại trạm Y tế xã.

Sáng kiến điều trị 2.0 cũng đã huy động được cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Người nhiễm HIV, tuyên truyền viên đồng đẳng nhóm nghiện chích ma túy và các thành viên các nhóm tự lực được đào tạo cùng với các nhân viên y tế thôn bản để chia sẻ thông tin về lợi ích của dự phòng, chẩn đoán và điều trị sớm, chuyển gửi những người có hành vi nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV ở trạm y tế xã và giúp những người đã được khẳng định nhiễm HIV tiếp cận điều trị. Kết quả là sáng kiến này đã tạo ra nhu cầu xét nghiệm HIV cao hơn và tiếp đến là chẩn đoán và bắt đầu điều trị sớm hơn. Sự tham gia của cộng đồng cũng góp phần làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

Nhóm tư vấn cũng khuyến cáo rằng, cần tiếp tục đào tạo lại và cần tập trung vào làm thế nào để nhân viên y tế thôn bản và giáo dục viên đồng đẳng có thể giúp làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử trong gia đình và cộng đồng. Chú ý tới phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng đang bị ảnh hưởng nặng nền bởi HIV/AIDS. Các thành viên của Quốc hội Việt Nam cần chủ động tiếp cận và tìm hiểu những kết quả tác động và những kết quả đã đạt được từ dự án thử nghiệm và vận động mở rộng sáng kiến điều trị 2.0 ra các tỉnh, thành phố khác. Quốc hội các nước có thể tìm hiểu thông tin chương trình này từ các đồng nghiệp Việt Nam và UNAIDS, Tổ chức y tế Thế giới tại nước mình về lợi ích sáng kiến điều trị 2.0 và thăm dò khả năng ứng dụng tại nước của mình.

Nam có quan hệ tình dục đồng giới

Năm 2009, Nhóm tư vấn đã đề cập trong báo cáo về tính dễ tổn thương của nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Những năm gần đây, Việt Nam đã công nhận nhóm này cũng là nhóm cần quan tâm và ưu tiên can thiệp trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhất là ở một số thành phố lớn mà số liệu cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này có thể tới 16%. Đây là vấn đề cần quan tâm và cần can thiệp mạnh mẽ hơn nữa với nhóm này.

Kỳ thị liên quan đến tình dục đồng giới vẫn là yếu tố làm gia tăng dịch HIV trong nhóm này và cản trở họ tiếp cận dịch vụ. Để đưa nhóm này tiếp cận với các chương trình điều trị và dự phòng thì cần phải chống lại kỳ thị và tiếp cận rộng rãi hơn nữa với nhóm này không chỉ ở thành phố. Nhóm tư vấn cũng khuyến cáo rằng cần sử dụng hệ thống và cấu trúc đã được thiết lập thông qua sáng kiến điều trị 2.0 làm cơ sở thu thập dữ liệu và cung cấp dịch vụ cho nhóm đối tượng này một cách hiệu quả. Nhóm Tư vấn cũng khuyến cáo các cơ quan quản lý của Việt Nam cần tham gia vào đối thoại với các nước trong khu vực mà họ đã quản lý và vượt qua các thách thức tương tự với nhóm này trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Kỳ thị và phân biệt đối xử

Các chỉ số về kỳ thị và phân biệt đối xử đã giảm một cách hết sức ấn tượng tại những địa bàn triển khai sáng kiến điều trị 2.0. Sự tham gia của cộng đồng và những lợi ích rõ ràng của các giải pháp trong cộng đồng là thành tố cốt lõi trong việc giúp giảm những rào cản quan trọng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Nhóm Tư vấn cũng khuyến khích các đại biểu quốc hội cần tham gia mạnh mẽ hơn nữa, và sử dụng quyền lực cũng như uy tín của mình để thảo luận một cách cởi mở hơn về vấn đề này và đẩy lùi những vấn đề liên quan đến kỳ thị. Các đại biểu quốc hội cũng tham gia nhiều hơn nữa cùng với các nhóm người nhiễm HIV. Những cơ hội và lợi ích của sáng kiến điều trị 2.0 giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử và chúng đã được nghiên cứu trong những nghiên cứu gần đây.

Huệ Minh

 

 

 

 


Ý kiến của bạn