Ngành Đông y chia sẻ cùng cả nước chống dịch
Dự phòng lây nhiễm COVID-19 với các biện pháp đơn giản của Đông y
Dự phòng lây nhiễm là một bước quan trọng trong chẩn đoán và điều trị người bệnh mắc COVID-19, thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.
Hội Đông y Việt Nam bổ sung thêm một số phương pháp của Đông y về dự phòng lây nhiễm bệnh đối với tất cả người dân, bao gồm cả trường hợp F1 cách ly tại nhà, nơi cư trú, cách ly y tế tại nơi tập trung, phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Cụ thể, các biện pháp vệ sinh cá nhân gồm tắm, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch nhỏ mũi, nước súc miệng.
Các vị thuốc có thể dùng uống như nước ép tỏi, một số trà thảo dược như trà xanh liên kiều, kinh giới…
Sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà như cam thảo, phòng phong, hoắc hương, tử tô, kinh giới, bạc hà…
Các vị thuốc có thể pha uống để nâng cao sức đề kháng như cát căn, hoài sơn, linh chi, đinh lăng…khoảng 30-50 g đun sôi 10 phút với khoảng 250 ml nước, uống ngày 2 lần, mỗi lần 100 ml.
Bên cạnh đó, để nâng cao sức đề kháng, người dân cần có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, luyện tập thể dục hằng ngày, không quá căng thẳng, giữ cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc, nên nghỉ trưa ít nhất 30 phút, tránh các công việc gây stress, tăng cường thư giãn.
Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các loại vitamin, ăn nhiều rau củ quả tươi, tránh ăn nhiều thức ăn chiên xào; hạn chế thuốc lá, rượu bia, cà phê, đồng thời tập thể dục, dưỡng sinh 30 phút hằng ngày.
Có thể sử dụng phương pháp xông để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. Ví dụ xông khói: Dùng vị thuốc thương truật, bồ kết 30-50g/lần xông trong môi trường có thể tích khoảng 100 m3.
Cách làm: Dùng một bát to, đường kính khoảng 15 cm, cho nửa tờ báo cắt nhỏ đặt vào lòng bát, cho vị thuốc thương truật và bồ kết đã bẻ nhỏ lên trên, châm lửa đốt. Lửa đốt làm cháy thương truật, bồ kết, khói đó sẽ diệt các virus trong môi trường có thể tích khoảng 100 m3.
Xông tinh dầu như sả, mùi, quế, tràm, khuynh diệp, trầm hương, chanh… Dùng các loại tinh dầu cho vào ly nước nóng 80-90 độ C khoảng 1/2 ml (tương đương khoảng 5 giọt), trong phòng diện tích khoảng 20 m2. Tinh dầu bay hơi sẽ diệt được khuẩn.
Lời khuyên từ Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam
Ngoài ra, TTND.PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng đưa ra một số lời khuyên cho người dân trong việc áp dụng các biện pháp y học cổ truyền để dự phòng lây nhiễm COVID-19. Tùy theo từng đối tượng chúng ta có các biện pháp phù hợp.
Đối với những người khỏe mạnh, bình thường, chưa bị nhiễm bệnh, sống trong mùa dịch có thể có nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 cần ăn uống đầy đủ, uống đủ nước, không lao động quá mức, không làm việc ở trong môi trường quá nóng nực, tránh thức khuya, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, đặc biệt chú ý đến các bài tập thở, bài tập dưỡng sinh, yoga... giúp khí huyết lưu thông, chính khí đầy đủ.
Có thể sử dụng các thuốc bổ: Các bài thuốc bổ thông thường như thập toàn đại bổ, uống mỗi ngày một ly nước cam, nước ép trái cây… giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Điều này rất quan trọng trong phòng ngừa bệnh COVID-19.
Đối với các trường hợp bệnh nhân F0 nhưng chưa có triệu chứng rõ ràng, biểu hiện nhẹ như sốt vừa, nhức mỏi cơ thể, lúc này có thể dùng các vị thuốc đông y là các loại lá như lá sả, lá chanh, lá tre… nấu nồi nước xông để xông. Xông nóng giúp toát mồ hôi, đẩy tà khí ra ngoài, đem lại sức khỏe tốt. Xông xong ăn một bát cháo nóng, nằm nghỉ ngơi.
Có thể uống thêm thuốc giảm ho, vitamin… tăng cường sức khỏe, hoặc dùng thuốc bổ đông y như Ngân kiều tán… tự chăm sóc bản thân trong vòng 1 tuần bệnh nhân có thể khỏi bệnh, không bị diễn biến nặng. Trường hợp áp dụng các biện pháp này mà bệnh có diễn biến không tốt cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ y học hiện đại và y học cổ truyền chăm sóc và theo dõi. Điều này giúp ngăn bệnh diễn biến phức tạp. Đây là cách điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Sẵn sàng thực hiện các quy định của Bộ Y tế như quy định 5K, tuân thủ lịch tiêm chủng vaccine đầy đủ. Có tinh thần chủ động phòng, chống dịch, tự cách ly bản thân (đối với những nơi dịch bệnh tăng mạnh), tránh tiếp xúc với người lạ khi ra ngoài.
Những người buộc phải đến môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao cần thực hiện tốt các quy định của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn… Tất cả các hoạt động này góp phần chủ động phòng, chống dịch COVID-19.