Với những người khỏe mạnh, việc nhiễm COVID-19 đã là một đe dọa tính mạng, nhưng với bệnh nhân tim mạch thì vấn đề còn đặc biệt nghiêm trọng hơn. Vậy làm thế nào để phòng ngừa và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của COVID-19?
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh không lây nhiễm tăng đã khiến bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong và gánh nặng bệnh tật hàng đầu với con số ước tính khoảng 15 triệu người bị tăng huyết áp ở các mức độ khác nhau. Do vậy, cần hết sức cảnh giác và chủ động phòng ngừa cũng như có hành động đúng để giảm tối đa các ảnh hưởng của COVID-19, nhất là đối với bệnh nhân tim mạch.
Những biến chứng tim mạch cấp ở bệnh nhân COVID-19
Theo các báo cáo đối với bệnh nhân ở Vũ Hán và một số trung tâm lớn trên thế giới, người nhiễm COVID-19 có diễn biến rất thất thường, phức tạp. Giai đoạn đầu có vẻ diễn biến âm thầm từ từ, nhưng khá nhiều ca diễn biến nặng xảy ra nhanh chóng cần phải thở máy hoặc hỗ trợ tuần hoàn hô hấp. Với những bệnh nhân tử vong, mặc dù bệnh ảnh hưởng đến hô hấp (phổi) đầu tiên, nhưng có vẻ như sốc tim hoặc biến cố tim mạch khác lại là kết cục dẫn đến cái chết nhiều hơn là suy hô hấp đơn thuần.
Trong một báo cáo với 138 ca COVID-19 nhập viện, 16,7% bệnh nhân xuất hiện rối loạn nhịp tim, 7,2% bệnh nhân có tổn thương tim cấp tính, cùng với các biến chứng khác liên quan đến COVID-19. Những biến chứng tim mạch cấp được báo cáo ở bệnh nhân COVID-19 bao gồm: khởi phát suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim và ngừng tim. Cũng giống như bất kỳ bệnh lý cấp tính nào khác, COVID-19 khiến gánh nặng tim mạch - chuyển hóa cao hơn và có thể gây ra các biến chứng tim mạch. Hiện chưa có báo cáo so sánh về tỷ lệ biến chứng tim mạch giữa bệnh nhân có hoặc không có bệnh nền tim mạch. Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân COVID-19 có sự tương đồng với bệnh nhân SARS, MERS, và cúm.
Một số triệu chứng của bệnh tim mạch lại cũng rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng nhiễm COVID-19 như khó thở, đau ngực...
Bệnh nhân tim mạch cần phải làm gì?
Bệnh nhân bị bệnh tim mạch cần ý thức được họ là nhóm nguy cơ rất cao về nhiễm bệnh cũng như các biến chứng nặng xảy ra nếu không may bị nhiễm COVID-19. Bệnh nhân tim mạch lại thường là những bệnh cần được theo dõi dài hạn, dùng thuốc dài ngày. Một số thuốc điều trị bệnh lý tim mạch lại cần theo dõi định kỳ xét nghiệm cũng như có thể tương tác hoặc bị ảnh hưởng khi phải điều trị bởi các thuốc khác. Bên cạnh đó, một số triệu chứng của bệnh tim mạch lại cũng rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng nhiễm COVID-19 như khó thở, đau ngực...
Tuy nhiên, các bệnh nhân tim mạch và người thân nên tỉnh táo, không hoang mang và nên biết cách tự theo dõi diễn biến của bệnh.
Theo khuyến cáo của các hiệp hội tim mạch lớn trên thế giới cũng như các Ủy ban Kiểm soát bệnh tật (CDC) trên thế giới, những bệnh nhân có nguy cơ cao, trong đó có bệnh nhân tim mạch, trước hết cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo chung cho mọi người dân của cơ quan y tế tại địa phương.
Tại Việt Nam, Chính phủ và Bộ Y tế đã đưa ra các khuyến cáo chung rất rõ ràng là:
• Tránh tụ tập nơi đông người; người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác;
• Đeo khẩu trang khi ra ngoài;
• Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;
• Tăng cường chế độ dinh dưỡng và luyện tập nâng cao sức khỏe;
• Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.
Ngoài những khuyến cáo trên, người bệnh tim mạch cần có những lưu ý riêng:
• Bản thân bệnh tim mạch là nguy cơ cao, nên những người bị bệnh tim mạch càng nên hạn chế tiếp xúc người khác, nên ở nhà.
• Cần liên hệ, hoặc tìm ngay số điện thoại liên hệ với các nhân viên y tế địa phương và bác sĩ/điều dưỡng chuyên khoa tim mạch đang theo dõi sức khỏe cho bản thân. Nếu chưa có liên lạc của chuyên khoa tim mạch, cần tìm cách thiết lập ngay mối liên hệ này thông qua các thầy thuốc đa khoa ở địa phương mà mình đang có hoặc qua các đường dây nóng về y tế ở địa phương.
• Cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc tim mạch mà mình hiện có, nếu cơ số còn ít thì cần gọi bác sĩ/phòng khám chuyên khoa và nhà thuốc mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời đầy đủ số lượng.
• Cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp tự động, cân sức khỏe...
• Tự theo dõi thường xuyên các dấu hiệu thường gặp trong nhiễm covid-19, như sốt, khó thở, ho, đau tức ngực... Lưu ý là các dấu hiệu này cũng có thể gặp ở bệnh tim mạch.
Khi chớm có các dấu hiệu này, cần gọi đến các thầy thuốc đang theo dõi cho bản thân trước, không nhất thiết vội vàng đến các phòng cấp cứu/bệnh viện. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở nhiều, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn... mới xảy ra cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được vận chuyển tới bệnh viện gần nhất.
Đừng quên - Hãy nhớ!
Cần chú ý là, nếu chúng ta (bệnh nhân tim mạch) chỉ chú ý vào dịch mà quên mất rằng bệnh tim mạch của chúng ta vẫn tiến triển, có thể nguy hiểm dẫn đến chết người, do vậy, bệnh nhân tim vẫn hết sức chú ý trong việc chăm sóc bản thân và tuân thủ điều trị trước hết là với các bệnh lý tim mạch theo chỉ dẫn của thầy thuốc trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Bên cạnh đó, những chú ý về COVID-19 nên được quan tâm đúng mực.
Chúng ta đang ở giai đoạn rất cam go trong cuộc chiến chống COVID-19, mọi tình huống có thể xảy ra. Với bệnh nhân tim mạch, chúng ta cần cẩn trọng hơn, mạnh mẽ hơn, có ý thức hơn với bản thân và xã hội, luôn tuân thủ các hướng dẫn điều trị cũng như là dịp để chúng ta xem lại và thay đổi chính bản thân mình.
Chắc chắn chúng ta sẽ thắng lợi trong cuộc chiến này!