Khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch cúm lợn A H1N1: Người dân không nên đến vùng đang có dịch

29-04-2009 17:28 | Thời sự
google news

Trước tình hình dịch cúm lợn A H1N1 có diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới, cuộc họp bất thường Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người diễn ra sáng 28/4 tại Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì

- Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT họp nóng đối phó với dịch.

- Đối phó với nguy cơ 3 loại dịch cùng lúc.

- Khả năng đáp ứng chống dịch của nước ta vẫn hiệu quả.

Trước tình hình dịch cúm lợn A H1N1 có diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới, cuộc họp bất thường Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người diễn ra sáng 28/4 tại Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì đã làm nóng lên bầu không khí ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chủ trì cuộc họp liên ngành. Ảnh: PV
Tại cuộc họp, sau khi nghe các Tiểu ban và đại diện các thành viên Ban chỉ đạo báo cáo, TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo cảnh báo, hiện chúng ta đang phải đối phó với nguy cơ 3 loại dịch cùng lúc là dịch cúm gia cầm A H5N1, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và dịch cúm lợn A H1N1. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng nhận định, đến nay, khả năng đáp ứng chống dịch của nước ta là có hiệu quả. Tuy nhiên trong bối cảnh giao lưu rộng rãi như hiện nay thì chúng ta phải huy động mọi lực lượng với những việc làm cụ thể để kiểm soát, không để dịch xâm nhập. Theo đó, tăng cường hoạt động giám sát và có sự hợp tác chặt chẽ của các lực lượng ngay từ biên giới, sân bay, bến cảng để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh nhập cảnh vào nước ta. Các trường hợp đến từ các vùng có dịch có liên quan dịch tễ phải được theo dõi theo địa chỉ của hành khách khai báo. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tăng cường xét nghiệm phân tích các mẫu bệnh phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn trong ngành y tế phải chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc theo dõi diễn biến tình hình dịch cúm lợn A H1N1, cúm gia cầm trên thế giới và trong nước để đưa ra thông báo, hướng dẫn kịp thời, chính xác, không chủ quan, không gây hoang mang trong cộng đồng. Phối hợp với các chuyên gia trong nước, WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ xây dựng quy trình giám sát, xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân cúm lợn A H1N1. Các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc giám sát chặt chẽ các trường hợp có triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, có tiền sử đi từ vùng có dịch (đặc biệt là các bệnh viện tư nhân có người nước ngoài) nhằm phát hiện sớm trường hợp đầu tiên, xử trí kịp thời, không để lây lan.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị và thành viên Ban chỉ đạo về dịch cúm A H5N1, phải tăng cường giám sát và xét nghiệm liên tục để đề phòng khả năng virut này biến đổi (lây từ người sang người), bởi nếu virut cúm A H5N1 cũng biến đổi như virut cúm A H1N1 thì sẽ trở thành đại hoạ cho loài người.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, hiện nay các phương tiện và vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch được chuẩn bị khá chu đáo, hiện có 34 bộ xét nghiệm PCR, 1000 máy thở, 52 xe ô tô cứu thương (đã về đến cảng nội địa, đang làm thủ tục nhập cảnh)... Ngoài ra, thuốc điều trị cúm Tamiflu, hoá chất, phương tiện bảo hộ (khẩu trang, quần, áo chống dịch) cũng có trong kho, sẵn sàng cung cấp cho các đơn vị để chống dịch khi có lệnh.

Ngay trong chiều 28/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký công văn hoả tốc yêu cầu các bệnh viện, viện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành cấp bách tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn. Cũng trong chiều 28/4, Bộ Y tế đã ra Thông báo số 2 về tình hình dịch cúm lợn A H1N1. Tại thông báo này, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện theo 4 biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Ngành y tế cũng đưa ra khuyến cáo người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch. Nếu bắt buộc đi đến các khu vực này, phải áp dụng các biện pháp phòng hộ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ y tế nơi đến.

Trước phản ứng nhanh của Việt Nam chuẩn bị đối phó với tình hình dịch cúm lợn H1N1 đang diễn ra phức tạp trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá cao các biện pháp ứng phó nhanh của Chính phủ Việt Nam. Tổ chức này cho rằng "Với những kinh nghiệm quý báu đã có trong quá trình ứng phó với cúm gia cầm và SARS, Việt Nam đã có sẵn quy chế về giám sát và phát hiện sớm".

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra vào chiều 28/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết sẽ siết chặt quản lý chất lượng thịt lợn nói chung trong thời gian này cho đến khi có kết luận chính thức bệnh cúm A H1N1 hiện nay có phải là từ lợn hay không, bởi cho đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện ổ dịch cúm A H1N1 trên đàn lợn cả ở trong nước và trên thế giới. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, hiện tại ăn thịt lợn vẫn an toàn, kể cả thịt lợn nhập khẩu. Người dân không nên quá hoang mang trong sử dụng sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, cần lưu ý nấu chín thức ăn trước khi sử dụng. Người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt mọi quy định, hướng dẫn đề ra. Ngay trong ngày, Bộ NN&PTNT cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đề phòng dịch cúm lợn. Trong đó nêu rõ các địa phương chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức giám sát, đề phòng xảy ra bệnh cúm lợn trên đàn lợn, phát hiện kịp thời những ca gây nhiễm đầu tiên; xử lý theo hướng dẫn của Cục Thú y, đồng thời phổ biến để nhân dân biết, đề phòng đối với bệnh cúm lợn, không gây hoang mang. Thành lập các đoàn công tác đi đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình.

Hạ Hiền


Ý kiến của bạn