Hà Nội

Khuyến cáo của Bộ Y tế về biện pháp phòng bệnh tay-chân-miệng: Tăng cường theo dõi, phát hiện, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong

21-07-2020 15:15 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay-chân-miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. Cha mẹ cần biết cách theo dõi, phát hiện sớm bệnh TCM để kịp thời cho trẻ đi khám và điều trị, tránh biến chứng nặng.

Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc TCM gia tăng trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh TCM, mới đây, trong Công văn số 888/ KCB-NV gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn. Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh TCM.

Khám phát hiện trẻ mắc tay-chân-miệng.

Khám phát hiện trẻ mắc tay-chân-miệng.

Tăng cường việc theo dõi người bệnh TCM đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết...

Sở Y tế tham mưu và trình UBND tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh TCM: công tác truyền thông, bổ sung kinh phí mua sắm các trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị...

Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở KCB thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn trong Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh TCM ở trẻ em của Bộ Y tế.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, phân tuyến điều trị. Tổ chức lọc bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh TCM và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh TCM ở tuyến tỉnh.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, BV Nhi TW, BV Trung ương Huế, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng TP.HCM, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, các BV Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh TCM để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.

Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.

Cha mẹ cần theo dõi, phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ

Bệnh TCM cần được phát hiện và điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Tuy bệnh này có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết sớm trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu điển hình để kịp thời điều trị. Theo đó, các biểu hiện dễ nhận biết của bệnh TCM gồm:

Sốt: Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đặc biệt, biểu hiện sốt cao khó có thể hạ sốt là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

Tổn thương ở da: Trẻ có biểu hiện rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như: họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng, nguy hiểm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong trường hợp gia đình có trẻ mắc TCM, cần đảm bảo: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt... của trẻ. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà. Không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.

Khuyến cáo của Bộ Y tế về biện pháp phòng bệnh

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh TCM. Để chủ động phòng bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.


PV
Ý kiến của bạn