ThS. Trần Châu Quyên - Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, rượu bia là nguyên nhân dẫn tới rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm như ung thư, các bệnh về gan, tim mạch, huyết áp, thần kinh, đột quỵ…
Đặc biệt với người cao tuổi thì càng dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với những người còn trẻ tuổi nếu sử dụng nhiều rượu bia. Đặc trưng ngày Tết là ngày đoàn viên sum vầy, lượng rượu bia được tiêu thụ còn nhiều hơn ngày bình thường do các gia đình thường xuyên đi chúc Tết hoặc đón khách. Những gia đình có người cao tuổi cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này.
BS. Châu Quyên khuyến cáo phải kiểm soát một cách chặt chẽ lượng rượu bia mà người cao tuổi sử dụng, tránh những cơn say không đáng có, tránh luôn cả những nguy cơ tiềm tàng đáng tiếc như đột quỵ, vấp ngã những ngày đầu năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, rượu bia là đồ uống chứa cồn, người uống cảm thấy hưng phấn, có ham muốn nhảy nhót, trò chuyện khi uống lượng nhỏ.
Giai đoạn tiếp theo, một số người cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đau đầu hoặc buồn ngủ. Đặc biệt, sử dụng quá nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe về tim mạch, gan, thận, tuỵ, thần kinh, nội tiết.
Cụ thể, đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thậm chí suy tim, đột quỵ nếu uống trong thời gian dài. Lạm dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp, đái tháo đường, đặc biệt ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, nói không rõ ràng, điều hòa động tác cơ thể kém; tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay; giảm trí nhớ.
Rượu bia còn gây hại đến hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây chướng bụng, đầy hơi, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy giảm khả năng tình dục, sức khỏe sinh sản...
PGS. Dũng tư vấn nên cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.
- Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia.
- Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.
- Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao.
- Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng.
- Nên tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường.
- Khi bị ngộ độc rượu, người nhà nên giữ bệnh nhân tỉnh táo nhất có thể cho đến khi có bác sĩ tới cấp cứu.
Không để người ngộ độc rượu một mình, để tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Nên để bệnh nhân nằm đầu cao hoặc ngồi, có thể để nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa.
- Hô hấp nhân tạo nếu có dấu hiệu ngưng thở và giữ ấm cơ thể để tránh hạ thân nhiệt đột ngột, gây tử vong. Gia đình nên mang theo hoặc ghi nhớ loại rượu mà người bị ngộ độc uống để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân, xử trí kịp thời. Hoặc gọi điện tới Trung tâm chống độc để được các chuyên gia hướng dẫn, sơ cấp cứu đúng cách.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 Loại Thực Phẩm Bạn Nên Ăn Để Có Hàm Răng Khỏe Mạnh - SKĐS