1.Nhận biết cây khương hoạt
Khương hoạt, hay còn là Xuyên khương, có tên khoa học là Notopterygium incisum Ting Mss. Họ Hoa tán Apiaceae.
Cây khương hoạt là cây sống nhiều năm. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt. Thân cao 0,5 - 1m, không phân nhánh. Thân phía dưới hơi có màu tím. Lá mọc so le, kép hình lông chim, phiến lá chia thùy, mép có răng cưa, mặt trên màu tím nhạt, mặt dưới có màu xanh nhạt.
Hoa của cây khương hoạt rất nhỏ, có màu trắng, họp thành hình tán kép. Quả bế đôi hình thoi dẹt màu nâu đen. Rễ khương hoạt được miêu tả có đầu mấu cứng như đầu con tầm to, khô, thịt nâu nhạt, xốp nhẹ, không mốc mọt, thơm mát là tốt.
Hoa của cây khương hoạt rất nhỏ, có màu trắng, mọc thành hình tán kép.
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ khương hoạt. Rễ sau khi được đào đem cắt bỏ đầu rễ, cạo vỏ, rửa sạch, phơi hay sấy khô.
2.Thành phần hóa học
Về thành phần hóa học, khương hoạt chứa các hợp chất coumarin, tinh dầu, trong đó có α-pinen, β-pinen, p.cymen, α-humulen...
3. Công dụng theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, khương hoạt có vị cay, đắng, tính ấm, quy kinh bàng quang, can và thận; có tác dụng tán hàn giải biểu, dùng khi cảm mạo phong hàn, sốt không ra mồ hôi, đau đầu, toàn thân đau mỏi. Có thể phối hợp với phòng phong, bạch chỉ, thương truật, sinh địa, hoàng cầm, tế tân, cam thảo, xuyên khung (trong phương Cửu vị khương hoạt thang). Phương này còn dùng cho cả phong thấp.
Ngoài ra, khương hoạt có tác dụng trừ thấp chỉ thống, dùng để điều trị bệnh phong thấp dẫn đến đau lưng, đau xương cốt thể cấp tính. Có thể phối hợp với độc hoạt, phòng phong, mạn kinh tử, xuyên khung, cảo bản, cam thảo (khương hoạt thắng thấp thang). Có thể phối hợp với đương quy, uy linh tiên, kê huyết đằng, tần giao để chữa viêm khớp thể phong thấp.
Dùng 4 - 8g/ngày, dạng thuốc sắc, ngâm rượu.
Khương hoạt có vị cay, đắng, tính ấm, quy kinh bàng quang, can và thận.
4. Một số bài thuốc chữa bệnh từ khương hoạt
4.1 Trị đau vai, đau cứng cổ, cứng gáy: Khương hoạt, độc hoạt mỗi vị 9g; cảo bản, xuyên khung, phòng phong, cam thảo mỗi vị 6g; mạn kinh tử 4g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng trước bữa ăn.
4.2 Trị bán thân bất toại, đi lại khó khăn, tay cầm không vững: Khương hoạt, đương quy, hương phụ (chế giấm) mỗi vị 12g; độc hoạt, ngũ gia bì, uy linh tiên, chỉ xác, nhũ hương, ô dược, phòng phong mỗi vị 9g; vảy tê tê (tôi giấm) 6g; cam thảo 6g. Nhũ hương để riêng. Các vị khác sắc nước, sau đó hòa tan nhũ hương vào nước sắc còn nóng, rồi uống.
4.3 Trị đau nhức xương khớp, thần kinh ngoại biên từ thắt lưng trở lên đầu: Khương hoạt, phòng phong, thương truật mỗi vị 12g; xuyên khung, bạch chỉ, sinh địa, hoàng cầm, cam thảo mỗi vị 8g; tế tân 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm trước bữa ăn 1 giờ.
4.5 Trị cảm mạo phong hàn: Cam thảo, hoàng cầm, xuyên khung, sinh địa hoàng và bạch chỉ mỗi vị 4g, tế tân 2g, khương hoạt, thương truật và phòng phong mỗi vị 6g. Đem sắc uống.
5. Lưu ý khi dùng
Những người huyết hư, không do nguyên nhân phong hàn thì không dùng vì thuốc mang tính ôn táo dễ hao tổn tân dịch.
So với độc hoạt, khương hoạt dùng tốt trong các chứng thấp đau nhức xương cốt thần kinh từ lưng trở lên.
Mời độc giả xem thêm video:
Cháo trai- món ăn bổ dưỡng