Hà Nội

Khủng hoảng vắc-xin Thật hay ảo?

03-03-2015 23:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, do tâm lý nghi ngại, nhiều gia đình đã đổ xô tới các cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ khiến chúng ta lại rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng vắc-xin dịch vụ...

Đổ xô đi tiêm vắc-xin dịch vụ, nhiều phụ huynh vô tình bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cho con

Hiện nay, do tâm lý nghi ngại, nhiều gia đình đã đổ xô tới các cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ khiến chúng ta lại rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng vắc-xin dịch vụ, nhất là các loại vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1” và thủy đậu. Vậy phải chăng chúng ta đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng về vắc-xin?

Thời của vắc-xin dịch vụ?

Vài năm trở lại đây, sau một vài sự cố trong tiêm chủng và nhân tiện các sự cố này lại được một số người “thổi” rùm beng lên đã khiến cho dư luận hết sức hoang mang. Thậm chí, họ không chỉ “soi” vào qui trình tiêm chủng mà họ còn “mở rộng” sang các vấn đề khác như về chất lượng vắc-xin, qui trình bảo quản, sản xuất... đã khiến cho người dân lo ngại, thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn hình thành tâm lý, tiêm vắc-xin “miễn phí” thì chất lượng không thể đòi hỏi tốt hơn và không ít gia đình đã chuyển sang tiêm vắc-xin dịch vụ.

Các loại vắc-xin trong Chương trình TCMR luôn luôn đầy đủ, bảo đảm phòng ngừa bệnh cho trẻ. Ảnh: TM

Các loại vắc-xin trong Chương trình TCMR luôn luôn đầy đủ, bảo đảm phòng ngừa bệnh cho trẻ. Ảnh: TM

Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. HCM, nhiều gia đình đã đổ xô tới các điểm tiêm vắc-xin dịch vụ cho trẻ. Điều này đã khiến cho các điểm tiêm vắc-xin dịch vụ trở nên quá tải, thiếu cơ sở vật chất và đặc biệt là tình trạng thiếu vắc-xin. Như đã biết, khác với vắc-xin trong CT TCMR là những vắc-xin được dự trù hàng năm, đi theo định hướng của quốc tế, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo theo từng đợt chiến lược, vắc-xin dịch vụ được sản xuất, nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Vắc-xin là một loại sinh phẩm, hạn sử dụng ngắn, bảo quản rất khắt khe và không chế biến lại được, khi các đơn vị hay doanh nghiệp nhập về mà không bán được thì sẽ bị lỗ nặng. Vì vậy, chỉ khi có đơn đặt hàng, các hãng dược mới sản xuất. Như vậy, độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên cho đến khi các lô vắc-xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thường mất khoảng thời gian khá dài, khoảng vài tháng nên rất dễ xảy ra tình trạng khan hiếm.

Theo khảo sát của chúng tôi tại Phòng tiêm chủng Viện Vệ sinh dịch tễ TW (Hà Nội) ngày 1/3 cho thấy, trong số 37 sản phẩm vắc-xin dịch vụ đang được tiêm chủng tại đây thì có tới 1/2 đang ở tình trạng hết vắc-xin. Trong số này có những vắc-xin đặc biệt ở tình trạng khan hiếm, đang có hàng nghìn gia đình chờ đợi để được tiêm chủng như vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1, thủy đậu... thì có loại sẽ hết đến sang năm.

Phải chăng đang có tình trạng khủng hoảng vắc-xin ?

Vừa qua, tại Lễ khởi động Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vắc-xin phòng bệnh cho người, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện Việt Nam đã tự sản xuất được 10/11 vắc-xin trong TCMR và tương lai gần nhất sẽ xuất khẩu vắc-xin sởi. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất và thương mại hóa được ít nhất 7 loại vắc-xin quan trọng phòng bệnh cho người tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu CT TCMR trong nước, thay thế vắc-xin nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu vắc-xin ra một số nước trong khu vực và thế giới.

Bởi vậy, hiện nay nói rằng nước ta “thiếu vắc-xin” là không chính xác. Theo GS.TSKH. Nguyễn Thu Vân, nguyên Giám đốc Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech): Hiện nay, trong CT TCMR, 11 loại vắc-xin cơ bản (trong đó vắc-xin Hib đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng) lúc nào cũng có và về cơ bản hoàn toàn là vắc-xin do Việt Nam sản xuất. Tất cả các loại vắc-xin được cấp phép sử dụng, dù là vắc-xin ngoại hay do Việt Nam sản xuất đều phải qua nhiều bước kiểm định, thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và an toàn sử dụng. Các loại vắc-xin được viện trợ từ nước ngoài là “5 trong 1” cũng có trong chương trình nhưng các bà mẹ ngần ngại không cho con mình đi tiêm đúng đợt do một số sự cố đã xảy ra với trẻ sau khi tiêm vắc-xin trước đây. Vì trẻ không được tiêm chủng nên các bệnh dịch lại dễ quay trở lại hơn, dẫn đến tình trạng mọi người đổ xô cho con đi tiêm dịch vụ khi thấy dịch bệnh có chiều hướng bùng phát, ví dụ như gần đây là dịch sởi. Như vậy, thực chất tình trạng ở nước ta hiện nay là vắc-xin trong CT TCMR thừa, trong khi vắc-xin dịch vụ thiếu.

Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều chuyên gia y tế vì các vắc-xin trong CT TCMR cũng đều là vắc-xin tốt, chẳng hạn như vắc-xin sởi do VN sản xuất hoàn toàn trên dây chuyền và công nghệ Nhật Bản, được đánh giá là vắc-xin tốt trên thế giới. Vấn đề đặt ra là tại sao các gia đình lại phải cố chờ để tiêm dịch vụ cho các cháu và để trẻ phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh do không đảm bảo lịch tiêm chủng?

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

“Mê tín” vắc-xin dịch vụ là bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh

Phóng viên (PV): Gần đây, dư luận cho rằng có sự khan hiếm vắc-xin dịch vụ phòng bệnh, ông có ý kiến gì về việc này?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Hiện nay đang có sự khan hiếm một số vắc-xin sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ, đặc biệt là vắc-xin 6 trong 1 (Infanrix Hexa) phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib; Hoặc vắc-xin 5 trong 1 (Pentaxim) phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đồng thời có một số vắc-xin khác không được cung cấp kịp thời như vắc-xin phòng bệnh thủy đậu,... Nguyên nhân là do nhu cầu tiêm vắc-xin dịch vụ của một số người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có tăng lên. Song nguyên nhân chính là do các nhà sản xuất vắc-xin không cung cấp đủ cho các nhà phân phối vắc-xin để cung ứng đủ cho các điểm tiêm chủng vắc-xin dịch vụ.

PV: Để giải quyết việc khan hiếm vắc-xin dịch vụ như hiện nay, Cục Y tế dự phòng đã có kế hoạch gì, thưa ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Đầu tháng 2 vừa rồi, chúng tôi đã họp với các nhà cung ứng vắc-xin trong cả nước, yêu cầu họ báo cáo chủng loại, số lượng vắc-xin, cũng như lộ trình cung ứng vắc-xin cho thị trường nội địa trong năm 2015 và dự kiến trong năm 2016. Để từ đó Cục Quản lý Dược và Cục Y tế dự phòng có kế hoạch chỉ đạo và quản lý tốt hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu các điểm tiêm chủng hướng dẫn cho người dân đến tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (CT TCMR), không chờ đợi. Tư vấn cho các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc-xin trong CT TCMR nếu vắc-xin dịch vụ hết và hoàn toàn miễn phí. Đề nghị các điểm tiêm chủng trên cả nước cố gắng tiêm đúng lịch, đủ mũi, không để trẻ không có vắc-xin, không để trẻ phải chờ đợi. Các loại vắc-xin trong CT TCMR luôn đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế Thế giới. Người dân không nên hoang mang hay bức xúc, càng không nên chờ đợi vào vắc-xin dịch vụ khiến con em mình mắc bệnh, rất đáng tiếc.

PV: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế có khuyến cáo gì với người dân trong lúc này, thưa ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Để phòng bệnh cho trẻ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bà mẹ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách để trẻ không bị ốm, tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch. Đặc biệt, thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ phòng bệnh theo lịch trong CT TCMR. Trẻ em cần phải được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch trong CT TCMR, đối với trẻ hoãn tiêm cần liên hệ với cán bộ y tế xã, phường để được tiêm bù ngay trong thời gian sớm nhất có thể.

Đặc biệt, để phòng bệnh ho gà trẻ cần được tiêm vắc-xin lúc 2 tháng tuổi, phòng bệnh sởi trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1 lúc 9 tháng tuổi.

Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thuộc CT TCMR không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

M. Hương - T.Bình (thực hiện)

TS. Nguyễn Văn Cường - Phó Trưởng ban Quản lý Dự án TCMR Quốc gia

Trẻ không tiêm chủng đúng lịch, nguy cơ mắc bệnh rất cao

PV: Số liệu giám sát dịch bệnh cho thấy số trẻ mắc các bệnh ho gà, sởi… thời gian này phần lớn rơi vào các trẻ chưa được tiêm chủng. Ông có ý kiến gì về thực trạng này?

TS. Nguyễn Văn Cường: Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là Chương trình mục tiêu quốc gia. Được Đảng và Nhà nước đầu tư kinh phí luôn đáp ứng đủ nhu cầu về vắc-xin phòng bệnh trong chương trình. Hiện nay đã có 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc-xin phòng bệnh được tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng trong chương trình bao gồm: vắc-xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, Rubella, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib., viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn (vắc-xin phòng bệnh tả và thương hàn chỉ sử dụng ở một số vùng nguy cơ cao). Việc tiêm chủng vắc-xin đúng lịch, đủ mũi sẽ giúp bảo vệ phòng bệnh cho trẻ. Hệ thống, mạng lưới tiêm chủng mở rộng được trang bị đầy đủ các dụng cụ và thiết bị ở tất cả các tuyến. Các điểm tiêm chủng vắc-xin miễn phí của chương trình có ở khắp các địa phương, vùng miền. Nhu cầu vắc-xin và các dụng cụ tiêm chủng trong TCMR được dự trù, lập kế hoạch và cung cấp luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Việc nhiều gia đình không đưa con đi tiêm chủng trong CT TCMR vì nhiều lý do như sợ phản ứng phụ sau tiêm, sợ trẻ đang ốm không đưa đi tiêm (dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm), trẻ bị bệnh nên lỡ cơ hội tiêm vắc-xin phòng bệnh... Đáng nói là nhiều cha mẹ khi để lỡ thời điểm tiêm vắc-xin đã không cho trẻ đi tiêm bù ngay sau đó. Khoảng trống này là thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

PV: Sau vài sự cố trong chương trình TCMR, do tâm lý nghi ngại, nhiều gia đình đã đổ xô tới các cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ tạo nên cơn sốt ảo và gây bức xúc trong dư luận. Ông có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh?

TS. Nguyễn Văn Cường: Các vắc-xin dịch vụ (phải trả tiền khi sử dụng dịch vụ) chỉ phục vụ cho một số ít đối tượng, thường tập trung nhiều hơn ở các thành phố lớn và thị xã. Trong thời điểm này, khi người dân đổ xô đi tiêm vắc-xin dịch vụ tất nhiên sẽ dẫn đến việc cung không đủ cầu. Cần cân nhắc khi sử dụng vắc-xin dịch vụ, đặc biệt khi việc cung ứng vắc-xin dịch vụ không kịp thời, vì nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch thì có thể sẽ bị mắc bệnh trước khi được tiêm vắc-xin vì phải chờ. Để phòng bệnh cho trẻ thì tốt nhất cần cho trẻ được tiêm đúng lịch hoặc càng sớm càng tốt khi tới tuổi cần phải tiêm. Tôi muốn nhắc lại: Vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất luôn sẵn có trong hệ thống TCMR.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Linh (thực hiện)

Anh Minh

 

 

 


Ý kiến của bạn