Khủng hoảng và tai ương...

03-01-2015 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Năm 2014 đã qua đi với nhiều chuyện buồn hơn vui. Thế giới phải chứng kiến liên tiếp những thảm họa, tai ương, xung đột.

Năm 2014 đã qua đi với nhiều chuyện buồn hơn vui. Thế giới phải chứng kiến liên tiếp những thảm họa, tai ương, xung đột. Tuy nhiên, trong bức tranh u ám vẫn lóe lên tia sáng - đó là việc Mỹ-Cuba nối lại quan hệ.

Khủng hoảng chính trị ở Ukraine

Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych vào tháng 2 và chính sách thân phương Tây của chính quyền mới đã gây bất bình cho những người thân Nga tại Ukraine. Người dân ở bán đảo Crimea chính thức tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 3/2014, quyết định tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Liên bang Nga. Từ đây bắt đầu một làn sóng đòi ly khai ở các phần lãnh thổ miền Đông Ukraine, gây nên xung đột kéo dài cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.300 người và khiến gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

An ninh biển châu Á bất ổn

Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp với các hành động bất ổn của Trung Quốc như hạ đặt giàn khoan trái phép tại Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mở rộng các vị trí đang chiếm đóng tại Trường Sa, ban hành và thực thi các luật, quy định nội bộ để thúc đẩy các yêu sách phi pháp tại đây. Hành động của Trung Quốc khiến dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ.

Xung đột chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản có xu hướng ngày càng quyết liệt hơn khi Trung Quốc thường xuyên điều tàu và máy bay đến khu vực này. Các nước ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về tình hình biển Đông. Hạ viện Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử thông qua một nghị quyết liên quan tới vấn đề biển Đông và Hoa Đông. Tòa án Trọng tài quốc tế thụ lý và đưa ra xét xử vụ kiện của  Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến chủ quyền ở biển Đông.

Mỹ và Cuba nối lại quan hệ ngoại giao sau 53 năm gián đoạn

Ngày 17/12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro chính thức tuyên bố nối lại quan hệ sau hơn nửa thế kỷ hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao và cấm vận kinh tế. Những bước đi tiếp theo là Mỹ đang xem xét mở Đại sứ quán ở La Havana, hủy bỏ quy chế “quốc gia bảo trợ khủng bố” mà Mỹ gán cho Cuba, nới lỏng lệnh cấm đi lại, các hạn chế tài chính, mở đường cho doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Cuba.

Sự hoành hành của ISIS đe dọa thế giới

Sự hoành hành của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS khiến cho cuộc chiến ở Iraq và Syria bùng nổ dữ dội; ISIS tiến hành chặt đầu nhiều con tin phương Tây dẫn tới việc Mỹ cùng các đồng minh phát động cuộc chiến chống ISIS. Không chỉ mạnh về tài chính, ISIS còn không ngừng gia tăng lực lượng, đánh chiếm mở rộng phạm vi hoạt động trải dài từ Iraq sang Syria, giết người hàng loạt và hành quyết con tin. ISIS là một sự biến tướng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế có qui mô và mức độ tàn bạo vượt qua cả nhóm khủng bố Al Qaeda gấp nhiều lần. Theo ước tính, số người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới đã tăng gần 25% trong khoảng thời gian từ 11/2013 đến tháng 10/2014. Từ các khu vực là điểm nóng của xung đột ở Trung Đông, cho tới những thành phố văn minh được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt của châu Âu, tất cả đều có thể là mục tiêu của khủng bố.

Giá dầu thế giới giảm tới 45%

Từ mức hơn 106 USD/thùng vào tháng 6, giá dầu thế giới đã giảm xuống dao động ở mức xung quanh 60 USD/thùng. Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc giá dầu mỏ rơi xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới. IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 3,8% vào năm tới. Song, IMF cũng lưu ý rằng diễn biến mới trên sẽ là “con dao hai lưỡi” gây tổn thương cho các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Giá dầu giảm cũng tác động tới địa chính trị thế giới.

Năm thảm họa của ngành hàng không và hàng hải thế giới

Sự mất tích đầy bí ẩn của chiếc máy bay Boeing mang số hiệu MH370 chở 239 hành khách của Hãng hàng không Malaysia; máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine làm chết 298 hành khách; máy bay của Hãng hàng không Algeria chở khoảng 110 người đang trên hành trình từ Thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso đến Thủ đô Algiers đã bị rơi; ngày 28/12, máy bay của Hãng hàng không AirAsia mang số hiệu QZ8501 chở 162 hành khách lại mất tích và nhiều khả năng đã rơi xuống biển; vụ chìm phà Sewol khiến 298 người chết và mất tích tại Hàn Quốc, trong đó đa số là trẻ em... được coi là những thảm họa đầy bi thương của lịch sử hàng không và hàng hải thế giới.

Ðại dịch Ebola bùng phát

Khởi phát từ một số nước Tây Phi, virut Ebola hết sức nguy hiểm đã bùng phát chưa từng có trong lịch sử hiện đại và lan nhanh sang nhiều quốc gia khác. Theo số liệu Tổ chức Y tế Thế giới công bố, số người nhiễm Ebola hiện vượt quá con số 18.000, trong số đó, gần 7.000 người đã tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới ngày 8/8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với căn bệnh nguy hiểm này. Bên cạnh việc thử nghiệm vaccin và thuốc chữa, cộng đồng quốc tế đã phải tập trung các nguồn lực để có thể đẩy lùi dịch bệnh. Đại dịch Ebola đã khiến ít nhất gần 1.800 người thiệt mạng và hơn 8.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Sự lây lan dịch Ebola ở cấp số nhân đã đặt ra thách thức lớn đối với Chính phủ các quốc gia. Và cho tới lúc này, cả thế giới hiện vẫn đang trong cuộc đua tìm ra vaccin và thuốc điều trị căn bệnh này.

Gaza 51 ngày khói lửa

Cuộc chiến tại dải Gaza kéo dài 51 ngày khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng, một phần tư trong số đó là trẻ em. Sự thù hận lại một lần nữa tiếp tục chồng chất lên mảnh đất này. Sau cuộc chiến đẫm máu, dư luận thế giới tự hỏi - Liệu đây có phải là mầm mống cho những tội ác khủng bố sau này? Và liệu những đứa trẻ của cuộc chiến này có trở thành những tay súng tàn bạo mang tư tưởng cực đoan tiếp tục gieo rắc nỗi sợ hãi và sự hận thù?

Cách mạng ô dù tại Hồng Kông

Biểu tình tại Hồng Kông 2014 còn được gọi là “Cách mạng ô dù” hay “Phong trào ô dù’ bao gồm những cuộc biểu tình, phản biểu tình và những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, cụ thể là được quyền đề cử Đặc khu trưởng mà không phải thông qua quyết định của Ủy ban bầu cử. Cao điểm bắt đầu từ tối thứ sáu ngày 26/9, sau khi sinh viên bãi học cả tuần, hàng ngàn người đã xuống đường tại khu vực trung tâm kinh tế, tài chính, nơi đóng văn phòng chính quyền ở Hồng Kông. Sau đó, biểu tình lan qua khu mua sắm Vịnh Đồng La (Causeway Bay) và cả ở khu vực Vượng Giác (Mong Kok) ở lục địa làm cho phần lớn việc lưu thông trong thành phố bị tê liệt. Trên 200 tuyến xe buýt bị ảnh hưởng, một số trạm xe điện ngầm phải đóng cửa. Nhiều ngân hàng kêu gọi nhân viên làm việc ở nhà, một số trường học cũng đóng cửa. Cảnh sát đã phải dùng gậy gộc, lựu đạn cay và bình xịt hơi cay để giải tán đám đông. Cho tới sáng sớm ngày 29/9, 78 người đã bị bắt giam và 38 người bị thương.

 

SK&ĐS (bình chọn)

 


Ý kiến của bạn