Khủng hoảng tự tử vị thành niên Mỹ

08-12-2019 10:16 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một cách quá thường xuyên, những nỗ lực tự tử và những cái chết do tự tử, đặc biệt ở trẻ nhỏ và vị thành niên đã trở thành bí mật gia đình thay vì được điều tra và xử lý theo cách có thể giúp các gia đình khác phòng tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Nguyên nhân thứ hai gây tử vong hàng đầu

Cái chết của một đứa trẻ là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với những bậc cha mẹ và càng tồi tệ hơn khi cái chết đó là do tự tử. Thảm kịch này ngày càng trở nên phổ biến vào những năm gần đây. Và người lớn - những bậc cha mẹ, giáo viên, bác sĩ tâm lý và các chính trị gia nên tự đặt câu hỏi về nguyên nhân tại sao và những gì họ có thể làm để ngăn chặn điều đó.

Tháng 10/2019, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) báo cáo rằng sau giai đoạn ổn định từ năm 2000 - 2007, tỷ lệ tự tử ở những người từ 10 - 24 tuổi tăng đáng kể, lên mức 56% từ năm 2007 - 2017 và tự tử trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thứ hai ở lứa tuổi này, sau nguyên nhân tai nạn.

Từ năm 2011, trong giới trẻ tại Mỹ, bên cạnh các vụ tự tử còn ghi nhận thêm sự gia tăng gần 400% nỗ lực tự tử bằng cách uống thuốc. Ông Henry A.Spiller - Giám đốc Trung tâm Ngộ độc Ohio, Mỹ nói: “Những nỗ lực tự tử trong giới trẻ Mỹ được ghi nhận tăng gấp 4 lần trong vòng 6 năm qua và chúng dường như còn chưa được đo đếm một cách chính xác”. Thực tế, những nỗ lực tự tử và những cái chết do tử tự, đặc biệt trong giới trẻ, trở thành bí mật gia đình thay vì được điều tra và xử lý theo cách có thể bảo vệ những người khác khỏi số phận tương tự. “Chúng ta không thể lờ đi mãi thế. Chúng tôi đã đầu tư rất mạnh vào việc xử lý hậu quả thảm kịch này, thế nhưng đó lại là cách phòng ngừa vấn nạn tự tử tốn kém nhất và kém hiệu quả nhất”, ông John P.Ackerman - nhà tâm lý học và đồng sáng lập viên Tổ chức Phòng chống tự tử thuộc Bệnh viện Trẻ em Quốc gia Mỹ ở Columbus, Ohio cho hay. Theo ông Ackerman, sẽ hiệu quả hơn nếu dành thời gian và tiền bạc vào việc xác định “những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất”, giúp chúng đối phó hiệu quả với stress và chỉ bảo chúng có thể làm gì khi gặp khủng hoảng tâm lý. Ông Ackerman khẳng định, cần phải làm những điều đó từ rất sớm, ngay từ đối với học sinh các bậc tiểu học, sử dụng mọi nguồn tài nguyên có thể để phòng chống khủng hoảng tâm lý ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.

Khủng hoảng tự tử vị thành niên MỹNhững nỗ lực tự tử trong giới trẻ Mỹ được ghi nhận tăng 4 lần trong 6 năm qua.

Thủ phạm thực sự

Ở Ohio, khoảng 40 nghìn sinh viên đã được sàng lọc về trầm cảm và nguy cơ tự tử và hàng trăm trẻ em được kết nối với các dịch vụ chăm sóc tâm lý. Việc sàng lọc và tư vấn tâm lý này không đặt câu hỏi trực tiếp cho trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên rằng họ có ý định tự tử hoặc tự tử hay không, thay vào đó là giúp trẻ nhỏ nói lên những cảm giác khó khăn để tư vấn nhằm giảm thiểu nguy cơ tự tử.

Hiện chưa một chuyên gia hay nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn đâu là lý do tại sao tự tử lại trở thành một cuộc khủng hoảng đến vậy đối với giới trẻ tại Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, một số yếu tố có thể kể đến như cha mẹ, trường học, tác động của các phương tiện truyền thông xã hội hoặc cách trẻ nhỏ và trẻ vị thanh niên giao tiếp với bạn bè của họ.

“Trẻ em bây giờ không bao giờ ngắt kết nối mạng. Họ kết nối 24/7. Họ đi ngủ với chiếc điện thoại thông minh. Và đó là nơi có thể bị bắt nạt trực tuyến, bị đố kị. Có rất nhiều hiểm họa từ đó”, TS. Spiller cho hay. Còn TS. Twenge quả quyết, sự gia tăng các nỗ lực tự tử và tự tử ở những người trẻ tuổi có liên quan trực tiếp với việc họ sử dụng điện thoại thông minh. “Trẻ ở độ tuổi này vốn dĩ đã phức tạp, thế nhưng nay càng trở nên phức tạp hơn bởi tác động của điện thoại thông minh, phương tiện truyền thông xã hội và áp lực trực tuyến liên tục”. “85% thanh thiếu niên xem truyền thông xã hội. Họ rất ít thời gian gặp mặt trực tiếp bạn bè. Bây giờ, tiêu chuẩn là ngồi nhà vào tối thứ Bảy để lướt instagram. Ai là người nổi tiếng và ai không có thể định lượng bằng cách đếm xem có bao nhiêu người theo dõi. Ngày nay, trẻ em dành hơn 8 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội - nơi chứa chất rất nhiều tiêu cực, sự cạnh tranh, chạy đua để tìm vị trí và có thể truy cập không chọn lọc vào những website nói về việc tự tử”, TS. Ackerman phân tích.

Bên cạnh đó, việc ngủ, hay đúng hơn là việc ngủ không đủ, là một vấn đề làm suy yếu khả năng phục hồi của thanh thiếu niên. Một vài nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng internet và phương tiện truyền thông với tình trạng rối loạn giấc ngủ ở thanh thiếu niên và mối liên hệ này góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm ở nhóm người này.

Các chuyên gia tâm lý kêu gọi các bậc cha mẹ nhắc nhở con cái mình tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong vòng 1 giờ trước khi đi ngủ, đặt ra những giới hạn hợp lý cho con trẻ về thời gian sử dụng công nghệ và cài đặt chế độ tự động tắt máy điện thoại vào lúc 9 giờ tối. Đồng thời, các bậc cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra trẻ, hỏi xem họ cảm thấy thế nào và có khi nào nghĩ đến cái chết hay không. “Ngay từ khi còn học tiểu học, trẻ em đã cần phải có những cuộc trò chuyện có trách nhiệm về việc tự tử. Người lớn cần chuẩn bị cho những người trẻ tuổi nói về cảm xúc của họ ngay từ lúc đầu đời”, TS. Ackerman nhấn mạnh. Đặc biệt lưu ý, không cho trẻ tiếp xúc với các phương tiện có thể tự tử như súng, thuốc, ma túy...


Thu Trang
Ý kiến của bạn