Khủng hoảng trong bảo tồn di sản?!

18-05-2013 14:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhưng gần đây, trong lĩnh vực bảo tồn di sản có nhiều biểu hiện thực dụng, vô trách nhiệm dẫn đến hủy hoại di sản khiến những người quan tâm phải đặt ra câu hỏi: “Phải chăng đang có một cuộc khủng hoảng trong bảo tồn di sản?”.

Nhưng gần đây, trong lĩnh vực bảo tồn di sản có nhiều biểu hiện thực dụng, vô trách nhiệm dẫn đến hủy hoại di sản khiến những người quan tâm phải đặt ra câu hỏi: “Phải chăng đang có một cuộc khủng hoảng trong bảo tồn di sản?”.

Thụt lùi trong nhận thức và suy nghĩ

Khi triển khai giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình lớn của quốc gia, phát hiện thấy dấu ấn phế tích kiến trúc liên quan tới khu vực trung tâm của thành Thăng Long xưa kia, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định chuyển địa điểm xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc tế về khu vực gần sân vận động Mỹ Đình. Quyết định sáng suốt đó được xã hội coi là ví dụ điển hình về quan điểm giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Vậy mà gần đây, khi bị các nhà sử học phản đối việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hội Vận tải Hà Nội đã phát biểu trên báo đại ý coi Đàn Xã Tắc là dấu vết của chế độ phong kiến cần xóa bỏ. Thái độ này đã gây nhiều phản ứng, bức xúc trên công luận. Đàn Xã Tắc cần được bảo vệ theo Luật Di sản vì di tích này có một giá trị đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, xác định những dấu tích của một thành phần kiến trúc truyền thống trong quần thể các kinh đô của các triều đại Việt Nam gắn với tín ngưỡng quốc gia thờ đất và lúa của tổ tiên.

Thái độ đối lập giữa bảo tồn và phát triển trong một bộ phận không nhỏ các quan chức hiện hành là sự thụt lùi trong nhận thức, kéo theo thái độ vô trách nhiệm với di sản, dẫn đến những biểu hiện khủng hoảng trong bảo tồn di sản của Hà Nội gần đây.

Thờ ơ trước những lời kêu cứu

Chùa Một Cột, một ngôi chùa nổi tiếng đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á từ năm 1962 hiện đang lâm vào cảnh xuống cấp thảm hại. Bất kể mưa to, mưa nhỏ đều bị dột tứ bề, tượng Phật phải đội nón choàng áo mưa mỗi khi có mưa. Từ năm 2008, năm nào Đại đức Thích Tâm Kiên cũng có tờ trình lên UBND TP. Hà Nội đề nghị có kế hoạch trùng tu tôn tạo Chùa Một Cột, nhưng TP. Hà Nội vẫn thờ ơ. Chính vì vậy, năm nay, nhà chùa buộc phải tiếp tục gửi “tâm thư” lên UBND TP. Hà Nội.

Chùa Một Cột ở ngay trung tâm Hà Nội, chỉ cách UBND thành phố  khoảng 1km đường chim bay mà kêu cứu 4-5 năm vẫn không được lãnh đạo thành phố lắng nghe thì một ngôi chùa cách xa Hồ Gươm mấy chục cây số như chùa Trăm Gian thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị nhiều lần hủy hoại là việc dễ hiểu. Chùa này đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo một cách tùy tiện nhưng các cơ quan quản lý địa phương và trung ương không ai hay biết.

Liệu lời cảnh báo đau lòng về chùa Một Cột của Đại đức Thích Tâm Kiên có đánh thức những người có trách nhiệm của TP. Hà Nội để họ biết quan tâm đến việc cứu di sản không?

Khủng hoảng trong bảo tồn di sản?! 1
 Chùa Một Cột đang xuống cấp trầm trọng.

Nỗi khổ của người sống trong di tích

Việc nhân dân xã Đường Lâm làm đơn tập thể xin trả lại danh hiệu Làng cổ vì cuộc sống quá khó khăn đã khiến nhiều người xúc động và suy nghĩ. Những người bao đời nay sống trong lòng di sản, tự hào và gắn bó với di sản, sao hôm nay bỗng nhiên muốn “thoát” ra khỏi di sản như vậy?

Những người làm dự án Làng cổ Đường Lâm có vẻ như đã lợi dụng lòng tự hào của người dân chất phác hoặc thiếu hiểu biết, thiếu đồng cảm với thực tế cuộc sống của người dân trong lòng di sản nên đã duy trì một cơ chế quản lý bất cận nhân tình và phi khoa học: Buộc người dân làng cổ phải có trách nhiệm quản lý di sản do chính tổ tiên họ để lại, cấm họ tự ý sửa sang nhà cửa của mình nhưng lại không giúp cho họ có điều kiện mở mang cơ ngơi như hàng triệu người khác trong xã hội.

Từ nhiều năm nay, Ban quản lý dự án Làng cổ Đường Lâm bán vé cho khách tham quan, thu hết tiền về cho dự án. Người dân có nhà cổ chỉ được Ban quản lý cấp 250.000 đồng tiền trà thuốc mỗi tháng để thường trực ngày đêm ở nhà đón khách tham quan và làm công việc hướng dẫn viên du lịch. Nếu nhà có dột nát xập xệ thì phải tự bỏ tiền ra tu sửa nhưng không được làm thay đổi thiết kế nhà cổ. Người dân không được xây thêm, sinh hoạt rất chật chội, đề nghị ban dự án cấp đất giãn dân để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt khi con cái lấy vợ, sinh con... nhưng không được đáp ứng.

Những khó khăn bức xúc của người dân Đường Lâm cũng tương tự như những vấn đề trong cuộc sống của người dân phố cổ mà TP. Hà Nội đã biết rõ từ nhiều năm nay. Tiếc rằng họ đã không quan tâm giải quyết thấu đáo và rút kinh nghiệm để tổ chức cuộc sống của người dân trong làng cổ Đường Lâm cho hợp lý hợp tình.Người dân sống trong các di tích khác như Huế, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn... đã được chính quyền địa phương tổ chức tốt để họ có thể yên vui sống trong di sản. Hàng loạt các chính sách xã hội và các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch đã được các địa phương này triển khai đồng bộ, đem đến cho người dân những điều kiện cần thiết để họ tự nguyện gắn bó với di sản. Đó là điều Hà Nội cần học tập để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng bảo tồn di tích hôm nay.      

 Diệu Yến


Ý kiến của bạn