“Khủng hoảng trở thành sự thanh lọc đối với nhiều người”

22-03-2009 06:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhà văn Brasil nổi tiếng Paulo Coelho là tác giả có tác phẩm ăn khách nhất mọi thời trong dòng văn học viết bằng tiếng Bồ Đào Nha.

Nhà văn Brasil nổi tiếng Paulo Coelho là tác giả có tác phẩm ăn khách nhất mọi thời trong dòng văn học viết bằng tiếng Bồ Đào Nha. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt như: “Nhà giả kim”, “ O Zahir-Nỗi ám ảnh”, “Quỷ dữ và nàng Prym”, “Phù thủy phố Portobello”. Mới đây ông vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết mới “Người chiến thắng còn lại một mình”, nhân vật chính tên là Igor, nhà tài phiệt Nga, chủ một hãng điện thoại di động. Nhân dịp này, Paulo Coelho có cuộc trò chuyện với phóng viên báo “Sự thật thanh niên” về cuốn sách này.

Nhà văn Paulo Coelho. 

- Thưa ông Coelho, tại sao nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết mới của ông lại là một nhà tài phiệt Nga? Hay là, sau khi Abramovich mua đội bóng đá “Chelsea”, còn các doanh nhân Nga bắt đầu tậu bất động sản ở phương Tây, xuất hiện mốt viết về họ? Và ngay cả ông cũng không cưỡng được cái mốt này?

- Bạn biết không, khi tôi viết, quốc tịch của các nhân vật của tôi không có ý nghĩa gì hết. Ví dụ, Santyago trong “Nhà giả kim” là người Tây Ban Nha, Veronika trong tiểu thuyết “Veronika quyết chết” xuất thân từ Slovenia, Afina trong “Phù thuỷ phố Portobello” là người Rumania, còn Marya trong “Mười một phút” là người Brasil sống ở Geneva.

Vì thế cho nên ở vị trí của Igor hoàn toàn có thể là một người đàn ông thành đạt ở bất cứ nước nào, và nội dung cuốn sách vẫn như vậy. Igor hành động tuyệt đối như bất cứ người giàu có nào, và quốc tịch của anh ta ở đây không là gì cả, cũng không phải mốt về người Nga ở phương Tây.

- Trong đời ông đã xuất hiện những nhân vật nào như Igor chưa? (Nhân vật chính trước khi làm nghề kinh doanh điện thoại di động, đã buôn bán kim cương và vũ khí ở châu Phi).

- Tôi biết những người như vậy. Mặc dù, thực ra mà nói, tôi không nhớ đã bao giờ gặp một nhà tài phiệt nào từ nước Nga chưa.

- Ông đã đến nước Nga, và thậm chí một chương trong cuốn tiểu thuyết diễn ra bên bờ hồ Baikal: các nhân vật chính có một cuộc hẹn hò, nhưng đúng lúc đó có một kẻ ăn xin quấy rầy họ...

- Ồ vâng, tôi nhớ chuyến đi đến hồ Baikal ấy. Đó là vào tháng 5, nhưng tôi vẫn muốn lặn xuống cái hồ băng giá này: đó là một kinh nghiệm để đời! Nhưng khác với những bước nhảy mà đôi khi chúng ta thực hiện trong những mơ ước của mình, trong thực tế không phải bao giờ bạn cũng có thể cho phép mình như vậy.

- Cuốn tiểu thuyết về số phận của một doanh nhân trong cao trào của cuộc khủng hoảng kinh tế, mặc dù ông viết nó trước cơn tai biến này...

- Bạn biết không, tôi cảm thấy rằng trong cuốn sách của mình tôi đã mô tả đúng lúc cái tình huống, khi mà sự giàu sang quá trớn và sự dư thừa đã dẫn tới thất bại dẫu không phải của toàn bộ nền kinh tế, nhưng là của một con người sung túc, no đủ. Cuộc chạy đua không mệt mỏi vì quyền lực, tiền bạc, mốt thời trang, than ôi, đã trở thành nét nổi bật của thời đại chúng ta, nguyên lý của sự tồn tại của con người. Cuộc khủng hoảng đúng là đã kết liễu cái thế giới hỗn mang này, trở thành một sự thanh lọc đối với nhiều người: rốt cuộc mọi người hiểu ra rằng còn có cả những giá trị khác. Giờ đây họ sẽ nghĩ về chất lượng của cuộc sống nhiều hơn là về cuộc chạy đua điên cuồng về số lượng.

- Trong tiểu thuyết của mình ông đã mô tả một cách chua chát giới nghệ sĩ trong cuộc liên hoan điện ảnh Cannes như một sự phung phí thời gian, ông giễu cợt giới kinh doanh nghệ thuật và mốt thời trang hiện đại. Thế nhưng trên các chương trình thời sự tôi nhìn thấy ông cùng với phu nhân trong một tiết mục nào đó tại liên hoan phim ở Berlin…

- Bạn hiểu không, giữa người kể chuyện và tác giả thật, nghĩa là tôi, có tồn tại sự khác biệt. Cuốn sách của tôi không phản đối vẻ đẹp quyến rũ hay giới kinh doanh nghệ thuật. Đó chỉ là bức chân dung của thời đại hiện nay đang biến mất trước mắt chúng ta. Hơn thế nữa, đã từ lâu tôi không thể hiểu vì sao mốt lại có một ảnh hưởng như vậy đối với con người. Tôi hết sức quan tâm điều đó, và thế là tôi lặn ngụp vào lĩnh vực này.

- Tôi cảm thấy rằng độc giả chủ yếu của ông là phụ nữ. Ví dụ, vợ ông nóng lòng chờ đợi cuốn tiểu thuyết mới của ông. Ông có thể viết gì đấy cho cả chúng tôi, những người đàn ông, một cuốn truyện trinh thám chẳng hạn..

- Bạn không hoàn toàn đúng: theo điều tra của một trong những nhà xuất bản in sách của tôi, sách của tôi được các độc giả cả hai giới từ 10 đến 80 tuổi đọc như nhau, hơn nữa họ thuộc các tầng lớp xã hội rất khác nhau. Mặc dù tôi không tin lắm những điều tra tiếp thị như thế, đối với tôi bất cứ độc giả nào của mình cùng đều toàn năng. Và việc những câu chuyện của tôi gắn kết mọi người với nhau đã đem lại niềm vui lớn cho tôi. Tôi không biết tại sao các nhân vật của tôi lại nổi tiếng như vậy trên khắp thế giới. Tôi không có một công thức nào giúp tôi viết cuốn sách tiếp theo. Khi viết “Nhà giả kim”, tôi muốn tìm hiểu công việc viết văn có ý nghĩa gì đối với tôi. Khi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết mới nhất “Kẻ chiến thắng còn lại một mình”, tôi muốn chứng minh sự vô độ của xã hội hiện nay và tìm hiểu tại sao chúng ta lại đi đến chỗ cho phép những người khác điều khiển chúng ta.

- Ông có thể coi mình là người giàu không?

- Vâng. Điều đó cho phép tôi giúp đỡ 430 đứa trẻ trong trại tế bần ở Rio-de -Janeiro. Còn gia tài chính của tôi là khả năng viết những cuốn sách không chịu áp lực của thị trường và các nhà xuất bản.           
 
Trần Hậu (dịch)         

Ý kiến của bạn