Khủng hoảng hàng nhái

19-08-2012 07:28 | Quốc tế
google news

Bốn mươi lăm ngàn chai nước hoa giả mạo mang đủ các thương hiệu lớn như Chanel, Hugo Boss, Givenchy, Kenzo và Jean-Paul Gautier chứa trong một container đến từ Trung Quốc đã bị hải quan cảng Marseille,

(SKDS) - Bốn mươi lăm ngàn chai nước hoa giả mạo mang đủ các thương hiệu lớn như Chanel, Hugo Boss, Givenchy, Kenzo và Jean-Paul Gautier chứa trong một container đến từ Trung Quốc đã bị hải quan cảng Marseille, Pháp tịch thu vào tháng 7/2012. Không những loại hàng xa xỉ bị làm nhái, mà ngay cả đến các loại vật dụng hàng ngày cũng bị nhái.

Riêng trong năm 2011, hải quan Pháp đã tịch thu gần 9 triệu món hàng giả mạo. Tại thành phố Cannes, hải quan Pháp cho trưng bày mớ chiến lợi phẩm hàng nhái đủ loại sẽ bị đem đi tiêu hủy: từ chiếc ghế bành hiệu Le Corbusier, túi để giấy quấn thuốc, quẹt lửa, súng máy M16, cho đến kem trang điểm.

Lượng hàng nhái tịch thu được trong năm rồi đã đạt đến con số kỷ lục: gần 9 triệu sản phẩm. Trước mớ chiến lợi phẩm đó, người xem không khỏi ngạc nhiên về sự táo tợn và tính sáng tạo của những kẻ làm hàng nhái. Độc đáo hơn là tại hải cảng Havre, hải quan Pháp tịch thu khoảng 25 ngàn quả bóng đá được dán nhãn hiệu Euro 2012 của Liên đoàn Bóng đá châu Âu hồi trung tuần tháng 6 vừa qua.

 Các thương hiệu nước hoa lớn rất hay bị làm giả.

Nguy hiểm hơn nữa là hàng sao chép bắt đầu lan sang cả vật dụng hàng ngày như dầu gội đầu, kem đánh răng, mỹ phẩm, đồ chơi, kính mát hay lốp xe ôtô. Do các vật dụng này liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng, nên số sản phẩm hàng nhái ẩn chứa một mối nguy hiểm thật sự.

Thêm vào đó, nạn buôn lậu dược phẩm giả mạo vốn đang hoành hành tại châu Phi, nay cũng bắt đầu đặt chân đến Pháp. Nếu như phân phối thuốc tại các hiệu thuốc Tây bị giám sát chặt chẽ tại Pháp, thì những kẻ bất lương lại rao bán chúng được thông qua mạng internet. Chủ yếu là các loại thuốc như viagra, các sản phẩm giảm béo kể cả các loại thuốc chữa bệnh thần kinh.

Bên cạnh đó, mặt trận chống thuốc lá giả của Pháp cũng đã đạt đến con số kỷ lục mới: 462 tấn thuốc lá giả hay nhập lậu đã bị tịch thu trong năm rồi ( 33%), trị giá gần 109 triệu euro. Theo ước tính của Bộ Tài chính Pháp, thuốc lá giả chiếm đến 5% thị trường chính thống, Nhà nước Pháp thất thu đến 800 triệu euro.

Cuối cùng, gần đây nhất là vào trung tuần tháng 6, cảnh sát Pháp đã lột trần một băng nhóm in các tờ tiền 20 và 50 euro giả tại làng Courtry, thuộc vùng Seine-et-Marne. Đây là vụ in tiền giả đầu tiên bị lật tẩy tại Pháp và cũng là vụ thứ hai tại châu Âu. Dù nhận được nhiều tin chỉ điểm, nhưng cảnh sát Pháp cũng phải mất đến 5 năm mới sờ gáy được kẻ chóp bu. Xưởng in của tên này được giấu kín đến mức cảnh sát phải dùng đến máy trắc địa để dò tìm thiết bị, được cất giấu đằng sau vách ngăn đôi và dưới một tấm bê-tông.
 

Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ cho biết, các nhà đàm phán từ 40 nước trên thế giới đã hoàn tất văn bản Thỏa thuận thương mại chống hàng giả và hàng nhái (ACTA). Ðây được xem là một bước tiến lớn trong tiến trình đàm phán về ACTA nhằm chống nạn buôn bán hàng giả và hàng nhái đang ngày càng gia tăng trên thế giới .

Văn bản trên cho phép các nước tham gia ACTA được quyền quyết định có coi hoạt động sao chép phim lậu là tội hình sự hay không, nhưng không được áp dụng hình thức phạt tù đối với loại tội phạm này. Văn bản đề nghị coi trọng thương hiệu và một số thông số địa lý ngang với bản quyền và bằng sáng chế, nhưng không nói rõ về biện pháp trừng phạt những người lập các trang mạng để bán hàng giả.
 
Các nhà đàm phán cho biết, cuộc đàm phán lần này đã thu hẹp được những bất đồng tồn tại từ cuộc đàm phán trong tháng trước ở Tokyo, Nhật Bản, chủ yếu giữa Mỹ và EU liên quan nhãn hiệu thực phẩm, thời trang và ôtô. Văn bản vừa được hoàn tất sẽ giúp cải thiện các tiêu chuẩn quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, trong khi vẫn tôn trọng đầy đủ các quyền công dân. Văn phòng Thương mại Mỹ cho rằng, các chính sách mới sẽ giúp bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng và người lao động. Các nước tham gia đàm phán ACTA gồm Mỹ, EU, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Ðiển và hai nước đang phát triển là Morocco và Mexico.

             Phạm Quỳnh (Theo Liberation)


Ý kiến của bạn