Khủng hoảng di cư đe dọa ghế Thủ tướng Đức

20-06-2018 06:53 | Quốc tế
google news

SKĐS - Căng thẳng gia tăng trên chính trường Đức khi hôm 18/6, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo trong liên minh cầm quyền tại nước Đức phải nhóm họp khẩn cấp vì chính sách tiếp nhận người tị nạn. Giới phân tích nhận định, Thủ tướng Merkel chỉ còn 2 tuần nữa để giữ lại chiếc ghế cao nhất trong Chính phủ Đức.

Tối 18/6, theo giờ địa phương, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã hội đàm tại Berlin. Phát biểu sau cuộc gặp, Thủ tướng Merkel cho biết, Đức và Italia đã tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề song phương, nhất là vấn đề tị nạn. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Đức cho biết, Berlin và Rome hoàn toàn nhất trí biên giới bên ngoài châu Âu cần được đảm bảo tốt hơn và Frontex - Cơ quan Bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu (EU) cần phải được củng cố. Thủ tướng Merkel đã cam kết sẽ hỗ trợ Italia trong việc giải quyết những vấn đề với người tị nạn. Thủ tướng Đức muốn đạt được thỏa thuận hồi hương song phương và đa phương với các nước láng giềng châu Âu rằng, những người tị nạn đã đăng ký là người xin tị nạn ở các quốc gia khác có thể bị từ chối tại Đức và được gửi trở lại các nước này.

Thủ tướng Merkel sẽ phải tính toán làm sao để 2 tuần nữa có một giải pháp an toàn nhất về vấn đề người tị nạn.

Thủ tướng Merkel sẽ phải tính toán làm sao để 2 tuần nữa có một giải pháp an toàn nhất về vấn đề người tị nạn.

Trước đó, cùng ngày 18/6, hai đảng Dân chủ Cơ đốc giáo - CDU của bà Angela Merkel và đảng Xã hội Cơ đốc giáo - CSU đều tổ chức các cuộc họp quan trọng tại Berlin và Munich để bàn về chính sách nhập cư của Thủ tướng Đức Merkel. Sau cuộc họp, đảng CSU đã đồng ý cho Thủ tướng Angela Merkel 2 tuần để tìm kiếm được một thỏa thuận với các nước khác trong EU về vấn đề tiếp nhận người tị nạn. Điều này có nghĩa, Thủ tướng Merkel đã thoát hiểm trong gang tấc bởi có thông tin CSU muốn đưa ra tối hậu thư “ép” bà Merkel phải điều chỉnh chính sách nhập cư hoặc phải rời bỏ ghế Thủ tướng Đức trong cuộc họp 18/6. Do đó, đối với bà Angela Merkel thời hạn 2 tuần dù sao cũng tốt hơn là việc đảng CSU ngay lập tức công khai sự phản đối và rút khỏi Chính phủ Liên minh. Trước mắt thì bà Merkel sẽ có 2 tuần vận động ngoại giao nhằm thuyết phục các đối tác trong EU đồng ý với một thỏa thuận mới.

Sự phản đối nhằm vào bà Angela Merkel vì chính sách tiếp nhận tị nạn của Chính phủ Đức đã diễn ra từ lâu. Năm 2015, khi Thủ tướng Merkel quyết định mở cửa biên giới Đức để tiếp nhận hàng triệu người tị nạn thì các tiếng nói chỉ trích chính sách này đã rất mạnh mẽ, cả trong dư luận Đức lẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền. Đảng CSU cũng đã phản đối bà Merkel ngay từ khi đó. Tháng 10 tới, bang Bavaria, thành trì của đảng CSU sẽ tổ chức bầu cử. Vì vậy, nếu Thủ tướng Merkel đưa ra một chính sách tị nạn bất lợi thì CSU “cầm chắc” thất bại. Yếu tố trên khiến thủ lĩnh đảng CSU kiêm Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Horst Seehofer phải tỏ thái độ cứng rắn với bà Merkel. Thứ hai, dư luận Đức đã nhiều lần phản đối Chính phủ của bà Merkel trong vấn đề nhập cư.

Hiện Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đang bất đồng về chính sách người di cư. Trong khi bà Merkel chủ trương tìm kiếm một giải pháp ở cấp độ toàn châu Âu cho những người di cư bất hợp pháp tại Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong các ngày 28-29/6 tới.

Các tổ chức quốc tế hiện cũng ý thức rõ tình trạng bế tắc giữa các nước châu Âu trong vấn đề người di cư, đặc biệt qua vụ tiếp nhận người nhập cư trên tàu Aquarius. Dù hơn 600 người nhập cư trên con tàu này đã được cập cảng Valencia của Tây Ban Nha ngày 16/6, chấm dứt hành trình kinh hoàng trong suốt tuần qua, song lại gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt ở châu Âu liên quan tới cách thức xử lý vấn đề.  Đây cũng là lý do Thủ tướng Merkel gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề nhập cư. Trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Merkel nói rằng đối với bà, câu hỏi làm thế nào để có thể đối phó với vấn đề di cư được xem là một phép thử cho tương lai và cho sự gắn kết châu Âu. Trong bối cảnh đang có những bất đồng về vấn đề di cư giữa Pháp và Italia, Pháp đã lên tiếng chỉ trích việc Italia từ chối mở cảng cho một tàu cứu hộ của nước này cập bến sau khi đã cứu hơn 600 người di cư trái phép tại vùng biển Địa Trung Hải.

Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Merkel đã đồng ý với thời hạn mà Bộ trưởng Nội vụ và CSU đưa ra, chờ kết quả Hội nghị Thượng đỉnh EU sắp tới trước khi Đức áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới mới. Tuy nhiên, bà đã bác bỏ “tối hậu thư” mà Bộ trưởng Nội vụ Seehofer đưa ra, đồng thời khẳng định không thể có việc tự ý từ chối tiếp nhận người nhập cư nếu không thỏa thuận nào đạt được.


N.Minh
Ý kiến của bạn