Khủng hoảng có nguy cơ lan rộng ở Venezuela

05-05-2016 16:56 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chỉ trong vòng 2 tháng qua, Tổng thống Venezuela đã phải 2 lần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về kinh tế.

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, Tổng thống Venezuela đã phải 2 lần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về kinh tế. Tuy nhiên, “hậu” những lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới xảy ra trên diện rộng là những bất ổn về chính trị có thể xảy ra.

Ngày 4/5, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã ban bố sắc lệnh ngăn cản Quốc hội nước này, do phe đối lập chiếm đa số, bãi nhiệm các Phó Tổng thống và Bộ trưởng. Trước đó, hồi tháng 1/206, Tổng thống Maduro cũng đã ban bố một sắc lệnh tương tự kêu gọi người dân tiết kiệm chi tiêu ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ngày 3/5, phe đối lập đã gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) danh sách 1,85 triệu chữ ký những người muốn phế truất ông Maduro. Bản thân ông Maduro tuyên bố sẽ cho phép tiến hành trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm ông nếu CNE xác nhận các chữ ký mà phe đối lập đã thu thập là hợp lệ. Phát biểu trong một buổi mít tinh nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, Tổng thống Maduro cho biết đã thành lập một ủy ban đặc biệt để giám sát và kiểm tra các chữ ký.

Các chữ ký trên do phe đối lập đưa ra nhằm yêu cầu mở đường cho việc tiến hành các thủ tục cần thiết để phế truất Tổng thống Maduro. Phe đối lập cho rằng ông Maduro phải chịu trách nhiệm chính về tình hình kinh tế suy thoái trầm trọng hiện nay ở Venezuela.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo thống kê, năm 2015, kinh tế Venezuela suy giảm -5,7%, với mức lạm phát lên tới 180% và là tỷ lệ cao nhất thế giới. Theo các dữ liệu kinh tế lần đầu tiên được công bố từ hơn 1 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Venezuela tính đến cuối năm ngoái giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Tỷ lệ lạm phát vào cuối quý 3 cùng năm là 141,5%. Trong bối cảnh giá dầu thế giới sẽ tiếp tục giảm, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo nền kinh tế vốn phụ thuộc tới 96% vào xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela sẽ suy giảm từ 6-10% và tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 200% trong năm nay.

Trong bối cảnh lạm phát phi mã, lần đầu tiên sau 20 năm, Chính phủ Venezuela đã quyết định tăng giá xăng từ mức 0,01 USD/lít lên 0,95 USD/lít. “Đây là một giải pháp cần thiết để đối đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng”, Tổng thống Maduro tuyên bố.

Ngoài ra, giá dầu thế giới lao dốc và sự phụ thuộc kinh tế vào nguồn thu dầu khí chiếm tới 90% nguồn ngoại tệ của Venezuela đã kéo theo tình trạng khan hiếm lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm khiến người dân bất mãn.

Một nguy cơ khác đe dọa Venezuela là tình hình hạn hán đã khiến cho quốc gia Nam Mỹ này lâm vào khủng hoảng điện trầm trọng. Kể từ năm 2010, hiện tượng El Nino đã gây ra hạn hán kéo dài. Trong một động thái mới nhất, hôm 1/5, để tiết kiệm điện, chính phủ Venezuela đã phải đẩy sớm múi giờ lên 30 phút so với giờ GMT-4; đồng thời sẽ cho nhân viên các cơ quan nhà nước nghỉ làm việc 3 ngày trong tuần nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng.

Sự giảm tốc của nền kinh tế, hạn hạn, thiếu hụt năng lượng và những bất ổn kéo dài khiến cho tình hình kinh tế-xã hội tại Venezuela ngày một khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân các cuộc biểu tình nổ ra và phe đối lập thúc đẩy môt cuộc trưng cầu ý dân nhằm bãi nhiệm Tổng thống Maduro.

Thực tế cho thấy phe đối lập chỉ cần thu thập đủ 200.000 chữ ký trong vòng 30 ngày để hoàn tất yếu tố đầu tiên tiến tới việc bãi nhiệm ông Maduro. Tiếp đó, phe đối lập chỉ cần thu thập hơn 7,5 triệu chữ ký trong tổng số 19 triệu cử tri Venezuela đồng ý bãi nhiệm ông Maduro để có thể tổ chức bầu cử trước thời hạn như Hiến pháp quy định.

Tất nhiên, ông Maduro không thể để phe đối lập muốn làm gì thì làm. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẽ cho phép tiến hành trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm ông nếu Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) xác nhận các chữ ký mà phe đối lập đã thu thập là hợp lệ. “Chính phủ Venezuela sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý nếu các chữ ký là hợp lệ” Tổng thống Maduro khẳng định. Ông cũng cáo buộc “có bàn tay bên ngoài” tác động vào tình hình Venezuela nhằm lật đổ chính phủ.

Trước những diễn biến căng thẳng tại Venezuela, ngày hôm qua (5/5), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã tiến hành một cuộc họp đặc biệt để bàn về tình hình chính trị Venezuela. Giới phân tích nhận định, nếu không có một giải pháp hiệu quả, chính phủ Venezuela sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn.


N.Quang (Theo BBc, AP, Reuters)
Ý kiến của bạn