Trong bài phát biểu được phát sóng truyền hình, ông Puigdemont đã kêu gọi người dân phản đối một cách hòa bình đối với việc chính phủ Tây Ban Nha trực tiếp kiểm soát vùng tự trị này từ hôm 27/10. Ông nói rằng, hình thức tốt nhất để bảo vệ các thành quả đã đạt được cho tới nay là phản đối một cách dân chủ Điều 155 trong Hiến pháp. Trước đó, ngày 27/10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21/12 tới. Hiện, chính quyền Madrid đã trao quyền kiểm soát Catalonia cho Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria sau khi tước quyền tự trị của khu vực này.
Hiện chưa rõ cuộc bầu cử tháng 12 tới ở Catalonia có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha hay không, bởi không loại trừ khả năng cuộc bầu cử này sẽ dẫn tới việc có thêm nhiều nghị sỹ ủng hộ ly khai trong nghị viện vùng. Cũng đã dấy lên nhiều lo ngại rằng cuộc khủng hoảng Catalonia đã chạm ngưỡng cao và nguy hiểm mới, bởi những người ủng hộ ly khai vừa kêu gọi một chiến dịch chống lại các yêu cầu của chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Ngoài ra, cổ phiếu và trái phiếu Tây Ban Nha cùng bị bán tháo trong phiên giao dịch ngày hôm qua, cho thấy tâm lý lo ngại của giới đầu tư về những diễn biến phức tạp ở khu vực trên.
Người dân Catalonia xuống đường ăn mừng độc lập
Bất chấp sự phản đối trong nội bộ, Với 70 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng trong Nghị viện 135 ghế, Nghị viện vùng Catalonia hôm 27/10 vẫn tuyên bố độc lập, tách khỏi chính quyền trung ương Tây Ban Nha, một động thái được xem là “vượt qua lằn ranh đỏ” khép lại cánh cửa đối thoại giữa các bên. Ngay lập tức, Thượng viện Tây Ban Nha đã bật đèn xanh cho chính phủ nước này áp dụng điều 155 của Hiến pháp, nhằm tước đi quyền tự trị của vùng Catalonia.
Rủi ro chính trị
Theo giới phân tích, việc theo đuổi đến cùng kế hoạch ly khai của chính quyền vùng Catalonia sẽ là một cuộc phiêu lưu rủi ro về chính trị-kinh tế, đặt tương lai của vùng này trước một viễn cảnh vô cùng bất an. Không chỉ có chính phủ Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, việc nghị viện vùng này tuyên bố độc lập sẽ không có gì thay đổi và Liên minh châu Âu sẽ chỉ đối thoại và hợp tác với chính phủ trung ương Tây Ban Nha. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định, Catalonia là một phần thống nhất của Tây Ban Nha và Mỹ ủng hộ các biện pháp Hiến pháp của chính phủ Tây Ban Nha nhằm đảm bảo sự vững mạnh và đoàn kết của quốc gia này. Tương tự, tuyên bố ngày 28/10 của Bộ Ngoại giao Séc nhấn mạnh Praha luôn coi Catalonia là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha.
Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria sẽ làm gì để “quản lý” được Catalonia?
Với việc đơn phương tuyên bố độc lập, Catalonia đã chấm dứt khả năng đối thoại với chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Bởi Madrid cho rằng hành động của Catalonia chính là mối đe doạ nghiêm trọng đến sự ổn định chính trị, thậm chí là sự tồn vong của một nhà nước Tây Ban Nha thống nhất. Tuy nhiên, điểm đầu tiên trong bản nghị quyết ly khai của các nghị sĩ Catalonia, những người vừa bỏ phiếu đòi độc lập, lại là việc thiết lập một kênh đối thoại với chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu như chính phủ Tây Ban Nha kiên quyết chối bỏ việc ngồi lại với Catalonia?
Một lần nữa, giới phân tích cho rằng tương lai của Catalonia sẽ ngày càng bất định khi tất cả bên đều quay lưng với vùng này. Trong khi đó, khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha sẽ tiếp tục gia tăng thậm chí đối mặt với nguy cơ xung đột.