Khúc tráng ca giữa đại ngàn Trường Sơn

17-08-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chạng vạng tối trời, chúng tôi đặt chân đến thị trấn của huyện A Lưới. Con đường xương sống Trường Sơn chạy dọc theo một dãy phố làng.

Những ngày tháng Tám lịch sử này, chúng tôi quyết định thực hiện một khớp nối tròm trèm ngàn cây số trên tuyến đường quyến rũ qua 4 tỉnh miền Trung: Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị mời gọi những đôi mắt ngắm nhìn, những tấm lòng đắm đuối quê hương đất nước. Và chúng tôi đi.

Trên đỉnh Trường Sơn. Những cung đường vắt vẻo lưng mây

Trên đỉnh Trường Sơn. Những cung đường vắt vẻo lưng mây

Đất nước đẹp vô cùng

Có đến tận nơi có sờ tận tay, cầm nắm trong tay mình những đặc thù bản địa, những thuộc tính riêng biệt của từng xứ sở trên Tổ quốc này mình mới thực chứng rằng niềm tự hào kia là hoàn toàn đúng nghĩa, chẳng cần phải thêm thắt thêu dệt hay mơ hồ những giá trị ảo tưởng tồn nghi. Quê hương ta, đất nước ta gấm vóc nhường ấy, bề thế nhường ấy để mỗi con dân nước Việt này ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế mà nâng niu gìn giữ, mà “khoe” ra với thế gian rằng: “Hãy đến với chúng tôi bằng tình bạn và sự thân thiện...”.

Có lẽ hệ thống núi non trên Trường Sơn thuộc địa phận của Thừa Thiên Huế là một khác biệt rõ nét nhất về địa hình địa vực, về cấu tạo địa chất. Bằng chứng là những bánh xe chúng tôi cứ nuốt say sưa quãng đường mê ly này trên gần hàng trăm cây số mặt đường toàn bằng chất liệu bê tông. Đúng là ám ảnh bởi hơn trăm cây số đường đèo dốc quanh co hiểm trở, chẳng có lấy một đoạn đường thẳng đúng nghĩa dài chừng trăm mét. Người đi mắt cứ chăm chăm và tay lái luôn sẵn sàng để ôm theo những vòng cua dốc, hết khúc này nối ngay khúc khác, chẳng hề dám một phút lơi lỏng đề phòng, tầm nhìn luôn giới hạn trong khoảng năm mươi mét. Những vòng cua ngặt nghèo cứ rủ rê dụ hoặc thế, tay ga xe say sưa uốn lượn mê mải.

Gặp gỡ cựu chiến binh Hồ Văn Sanh (trái).

Gặp gỡ cựu chiến binh Hồ Văn Sanh (trái).

Hai bên đường, những bờ dốc cao vút lên tận mây xanh. Những vực thẳm thâm u rợn người luôn rình rập, hù dọa khách đi đường. Cơ man là cây rừng với những dáng hình kỳ thú. Miên man một màu xanh trùng trùng đất trời và cơ hồ mây, mây như những suối tóc huyền hoặc, như những thác nước kéo dài bất tận và trùm phủ núi non, đổ tràn vào cây rừng đá núi. Chúng tôi chạy xe trong mây, chạy xe trong gió bạt ngàn, chạy trong từng cơn mưa rừng vào mùa đã chín nẫu. Từng mảng mây xám nặng đè trên cao kia, vậy mà cứ tưởng như trời và đất đã cận kề nhau, đã đan quyện vào nhau du dẫn những tâm hồn người tan hòa vào thiên nhiên hùng tráng kỳ vỹ và thơ mộng. Một lạ lùng khác nữa chỉ riêng có ở đây là có rất nhiều những cây cầu bắc qua sông suối trên vùng đất này đều có chung một hình dạng, một tầm vóc và tư thế cũng như tên gọi. Tất cả đều cao so với đáy sông, đáy suối. Tất cả đều được xây dựng cong vòng ôm theo cung đường mà trời đất đã định vị và cuối cùng, hầu như cùng một cái tên: “Cầu Cạn”, nhưng đẹp mê tơi, quyến rũ như những eo thon phụ nữ, đủ cỡ tuổi, thơ ngây có, mơ mộng có, điệu đàng có mà mặn mòi rủ rê cũng có...

Nụ cười người mẹ Vân Kiều

Nụ cười người mẹ Vân Kiều

Chạng vạng tối trời, chúng tôi đặt chân đến thị trấn của huyện A Lưới. Con đường xương sống Trường Sơn chạy dọc theo một dãy phố làng. Đây cũng là điều làm nên khác biệt. So với các thị trấn cấp huyện vùng cao ở Quảng Nam và Kon Tum, thị trấn A Lưới quy hoạch thoáng rộng những vườn nhà, sum suê cây trái. “Nét phố” náo động sầm uất không hiện diện ở đây. Có lẽ cái “Nết Huế” ở thành phố dưới hạ du ảnh hưởng chăng? Hay tâm hồn người dân Huế dù dưới xuôi hay trên vùng cao đều chung một tính cách thâm trầm, dịu dàng và kín đáo. Làm nên sự thơ mộng của đất và người mà văn chương cả nước luôn hướng về, luôn tưởng nghĩ. Huế mộng Huế mơ.

Mặn mòi Đăk Rông và ấn tượng Khe Sanh

Thị trấn A Lưới một buổi sáng mờ sương, trời bắt đầu chuyển vào trọng hạ, dưới đồng bằng còn chang chang nắng nhưng trên dãy Trường Sơn này là những cơn mưa rừng bất chợt. Xa xa, những dải mây trắng và khói đá chùng chình, quấn quýt núi rừng. Ngồi giữa trai thanh gái lịch, giữa những nền nã thị dân miền núi đã bước qua ngưỡng khởi động của đời sống để bừng thức một tương lai không còn cảnh đói cơm lạt muối, bừng thức một niềm tin rời xa khó nghèo để vươn vai giàu đẹp và bản sắc.

Cô bé Tà Ôi theo mẹ lên rẫy

Cô bé Tà Ôi theo mẹ lên rẫy

Dòng sông Đăk Rông nổi tiếng của địa phận Quảng Trị đón chúng tôi trên quãng đường này bằng một cơn mưa ngọt ngào. Mưa ra mưa, sây hạt nhưng không xối xả, những giọt nước trời tinh khiết châm chích nghe nhoi nhói vừa đủ chau mày. Cứ thế chúng tôi tận hưởng cái thú vi vu qua con đèo PêKe dài 8 cây số. Đôi bạn đồng hành “sông Đăk Rông - đường Hồ Chí Minh” gặp nhau ở chỗ giáp biên của Thừa Thiên Huế và Quảng Trị rồi rủ rỉ tâm tình như hai người yêu trẻ tuổi, quấn quýt bên nhau không muốn tách rời. Đèo PêKe và suốt cả tuyến đường kéo dài ra đến tận cầu Đăk Rông là điểm nhấn quan trọng về công trình xây dựng giao thông rất ấn tượng trên rừng xanh núi thẳm này, tuyến đường dưới mắt nhìn lữ khách như một phụ nữ đã đến độ mặn mòi, đã qua thời thơ ngây khờ khạo, biết mình đẹp chừng nào và biết cái lợi thế của mình sẽ tác động đến đối phương để dẫn dụ và mời gọi. Đường cũng lên dốc xuống thung, cũng quanh co uốn lượn, đây đó rời rạc vài xóm nhà của những đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Tà Hy, Vân Kiều... Một không gian yên bình gần như tuyệt đối, một tĩnh lặng vô nhiễm ước ao riêng dành cho ai đã mỏi mệt lấn chen giữa cuộc xô bồ. Đường bằng phẳng rộng thoáng mà thanh, những vòng lượn duyên dáng mà an toàn, những con dốc có độ xuôi vừa phải, tạo cảm giác yên tâm để vừa chạy xe vừa đưa mắt ngắm nhìn, giá như được thanh thản áo cơm mà đi trên tuyến đường này, mà gắn bó cuộc đời với nơi chốn này thì đó có thể xem như diễm phúc trên cõi nhân thế đầy những rập rình bất ổn. Chúng tôi gặp người cựu binh Hồ Văn Sanh (người Tà Ôi) giữa một con dốc tuyệt đẹp và râm mát. Với tuổi 84 mà những bước chân lên dốc của người cựu binh vẫn dứt khoát, thanh thoát, cho thấy môi trường sống ở đây lý tưởng đến chừng nào. Tham gia kháng chiến từ 1959, kinh qua nhiều trận đánh khốc liệt, hòn tên mũi đạn chừa ra để lành lặn trở về. Những tưởng thế là may mắn lắm. Ngờ đâu, về với làng bản thanh bình chưa được bao nhiêu ngày êm ấm thì người vợ thân yêu bỏ ông mà đi: “Chết rồi!!! Chết hơn mười năm rồi mà không biết chết ở đâu...”. Giọng ông ráo hoảnh mà buồn. Quy vào đâu cho từng bất hạnh của mỗi đời người bên chiếc quần trận mạc đã bạc màu trăn trở ấy.

Giã gạo cho bữa tối

Giã gạo cho bữa tối

Từ ngã ba ngay đầu cầu Đăk Rông về phía Bắc, rẽ tay trái theo Đường 9 chừng hơn hai chục cây số là ta gặp những địa danh vang dội một thời: Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo... Khe Sanh những năm đầu 1970 vốn là chiến trường của những trận đánh dữ dội, những tên đất tên làng, những mặt trận đã trở thành lịch sử của một thời. Nhưng hôm nay, trên đoạn đường chúng tôi đi qua đã xuất hiện những lều chợ rất “bản địa” của người Vân Kiều, năm bảy túp lều tranh tre tạm bợ vá víu bên đường, bày bán các loại sản vật địa phương. Những trái mít căng tròn ngon mắt, những trái thơm chín vàng làm tứa nước miếng chân răng, những búp măng núi bụ bẫm, rồi khoai, rồi sắn. Chúng tôi chạy xe lên theo một con đèo không tên dài chừng 4 - 5 cây số. Thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tạo một điểm nhấn là tượng đài Khe Sanh tọa lạc ngay cửa ngõ dẫn vào một khu phố xá đã rậm rịch hiện đại kiểu vùng cao, phố có dốc dài, hai bên đường đầy đủ những cửa hàng sang trọng cung cấp nhu cầu thị trường cho một bộ phận dân chúng tương đối khá giả và sung túc. Dễ hiểu thôi. Đây là điểm tập trung, trung chuyển hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đi khắp cả nước, từ đó kéo theo những dịch vụ giải quyết công ăn việc làm cho đại bộ phận lao động địa phương. Tuy vẫn còn khiêm tốn về quy mô xây dựng nhưng rất đẹp về kiến trúc, cho ta nhận ra sự an bình trong tâm thế của người dân sở tại. Những xe máy đắt tiền chạy đan xen trên đường, nhiều cô gái trẻ trang phục rất đẹp mắt, sang trọng và thời thượng. Khe Sanh hôm nay đã thật sự lột xác, xóa nhòa ký ức khủng khiếp một thời trong nhớ nghĩ của con người, lớp trẻ hôm nay chẳng thể nào hình dung nổi, nơi chúng sinh ra, nơi chúng đang sống từng là một ám ảnh nặng nề, dữ dội mà sức tưởng tượng của con người đành bất lực...

Cứ thế, chúng tôi miên man đi giữa đất trời Trường Sơn hùng vĩ, nhìn ngắm để rồi buột miệng ra: “Đất nước mình đẹp vô cùng!”, một điều ai cũng biết, nhưng chẳng dễ để nhận ra. 

Bài, ảnh: Đức Dũng - Gia Ly


Ý kiến của bạn